Đây là chương trình do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024).
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng Bùi Thị Quyên cho biết, thực hiện kế hoạch của TP Hà Nội và huyện, Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Hà Nội - Niềm tin và hy vọng” được triển khai tổ chức từ huyện xuống các xã, thị trấn và Công đoàn cơ sở.
Sau 3 tháng phát động, đến nay đã có 100% xã, thị trấn đã đăng ký tổ chức đêm liên hoan văn nghệ quần chúng, thu hút đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân tham gia. Các tiết mục được thôn, phố, cụm dân cư chuẩn bị chu đáo, dàn dựng công phu, huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, đoàn viên Công đoàn và Nhân dân, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đoàn kết cộng đồng, phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương.
Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Hà Nội - Niềm tin và Hy vọng năm 2024” huyện Đan Phượng thu hút gần 1.400 diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ quần chúng, đoàn viên Công đoàn đến từ 16 xã, thị trấn với 31 tiết mục đặc sắc được lựa chọn từ cơ sở.
Năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm của Đan Phượng là tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng “Công dân Thủ đô số”, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân…
“Do đó, Liên hoan nghệ thuật quần chúng nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội và quê hương Đan Phượng. Đồng thời, đây cũng là dịp để các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, tạo cơ hội phát huy giá trị văn hóa truyền thống và sáng tạo nên các sản phẩm văn hóa mới, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xây dựng quê hương Đan Phượng ngày càng giàu đẹp văn minh” – bà Bùi Thị Quyên nhấn mạnh.
Tại Liên hoan, các đội thi đến từ 16 xã, thị trấn đã biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc, dàn dựng công phu ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; ca ngợi Thủ đô anh hùng, văn hiến, văn minh, giàu bản sắc văn hóa…
Đó là các tiết mục như: đơn ca Nhớ về Hà Nội và đồng ca Hào khí Việt Nam của xã Phương Đình; hợp xướng 4.000 năm rực rỡ gấm hoa và Tiến về Hà Nội của xã Liên Hà; song ca Một vòng Việt Nam và đồng ca Việt Nam quê hương tôi của xã Đồng Tháp; đơn ca Hà Nội linh thiêng hào hoa, hợp xướng Giai điệu Tổ quốc của thị trấn Phùng…
Kết thúc chương trình, ở hạng mục đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất tiết cho tiết mục Hà Nội linh thiêng hào hoa của thị trấn Phùng; 2 giải Nhì cho tiết mục Bài ca thống nhất xã Thọ An và Hồ trên núi xã Liên Trung; 3 giải Ba cho các đội xã Phương Đình, Liên Hồng và Đan Phượng.
Về giải đồng ca, hợp xướng, giải Nhất thuộc về tiết mục Giai điệu Tổ quốc (thị trấn Phùng); 2 giải Nhì thuộc về tiết mục Hào khí Việt Nam (xã Phương Đình), Tiến về Hà Nội (xã Liên Hồng); 3 giải Ba thuộc về tiết mục: Dòng máu Lạc Hồng (xã Tân Lập), Tiến về Hà Nội (xã Hạ Mỗ), Dấu chân phía trước (xã Đan Phượng).
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 9 giải Khuyến khích cho các đội thi xã Trung Châu, Liên Trung, Liên Hà, Thọ Xuân, Thọ An, Thượng Mỗ, Đồng Tháp, Tân Hội và Song Phượng.