Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đặc sản Việt "tấn công" Google

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Buôn bán đặc sản đang nở rộ trên internet, nhưng vẫn ở giai đoạn định hình, chưa thể khẳng định là một kênh phân phối mới hiệu quả, bền vững cho đặc sản các vùng, miền.

Vì phần lớn người kinh doanh đều ở giai đoạn khởi nghiệp, còn rất nhiều việc phải làm trên hành trình chuyên nghiệp hoá.

Sự lan truyền thấy được, đo được

Trần Bích Trâm, quê ở Tây Ninh, là nhân viên kế toán của một công ty may ở quận Bình Tân. Vừa rồi, Trâm xin nghỉ thai sản, công ty cũng đang trong giai đoạn ít đơn hàng nên thời gian nghỉ được kéo dài thêm. Ở nhà giữ con cũng buồn, lại không có thu nhập. Thời điểm đang rộ bánh tráng, muối ớt Tây Ninh, Trâm bèn nhờ mẹ ở dưới quê gửi mấy món đặc sản Tây Ninh lên Sài Gòn để bán trên mạng.

Trâm cho biết: “Vốn ít nên ban đầu chỉ bán muối ớt, bánh tráng và mật ong. Bận giữ con nên bán hàng online là tiện nhất”.
Người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy đặc sản ở mọi nơi.
Người tiêu dùng dễ dàng tìm thấy đặc sản ở mọi nơi.
 
Chị Võ Thị Triều Tiên, quê ở Cà Mau mở trang “Đặc sản Cà Mau” trên Facebook bán cũng được tám tháng nay.

Tiên kể, mỗi lần về quê là mọi người đều nhờ mua tôm, cua Cà Mau. Bạn bè hỏi sao không bán thử, biết đâu làm được. Lúc mới mở, Tiên chỉ bán ba món là cua, tôm khô, mắm tép, dần dần thêm các món như cá khô, tôm lụi, mắm tép và mật ong. Một số món là hàng của gia đình làm, một số đặt hàng của người quen và bà con.

Tiên chủ yếu bán hàng cho khách quen và một số khách do khách quen giới thiệu. Tuỳ sản phẩm, như cua, tôm khô mua 1 ký vẫn giao, 2 ký trở lên thì không tính phí giao hàng. Xa tính phí giao hàng từ 20.000-50.000 đồng/lần, gần thì miễn phí. Sắp tới, Tiên dự định bán thêm hải sản tươi như tôm sú, tôm thẻ, chả cá... Nếu có sản phẩm mới hoài thì sức hấp dẫn khách hàng trên Face càng lớn. Mua bán đàng hoàng thì uy tín cửa hàng lan truyền rất nhanh.

Vì món ăn có đặc điểm phải dùng nóng mới ngon nên Lực chỉ giao hàng tại quận 1 và quận 3. Lực thổ lộ: “Vì thích món này quá nên quyết định bán để có cơ hội… ăn. Bán từ 5 giờ chiều tới tối được khoảng 100 cái/ngày”. Lực cho biết thêm, sắp tới anh sẽ về quê nghiên cứu và học thêm cách chế biến các món đặc sản Phan Thiết khác để bán.

Người Bạc Liêu rất thích đặc sản Đà Lạt, Tô Kiều Trinh đoan chắc như vậy qua 3 tháng kiểm chứng trên Facebook của mình. Ban đầu trên Facebook, Trinh chỉ chào bán dâu tây, dâu tằm, nha đam, khoai lang, phúc bồn tử (trái tươi, nước cốt, mứt...), rượu vang theo cách gởi hàng từ người em ở Đà Lạt về Bạc Liêu.

Dần dà, Trinh kết nối với nhãn hàng bánh tét IX Cẩm ở Cần Thơ, chao khoai môn Sóc Trăng, bưởi da xanh Bến Tre… và thông qua mạng lưới CLB sáng tạo khởi nghiệp, CLB hỗ trợ nông gia, đang tiếp cận CLB đặc sản Trà Vinh…

Sau đó, Trinh mở một cửa hàng cho khách hàng tận mắt nhìn thấy phía sau hoạt động “tiếp thị số” là một địa điểm có thật để gia cố lòng tin.

“Kinh doanh đặc sản qua Face hoàn toàn khác tiệm tạp hóa”, Trinh nhận ra điều này qua nhu cầu của người lên Face đặt hàng và khách hàng tìm đến nơi giao nhận. Phần lớn là người làm văn phòng, tầng lớp trung niên và là những người sành điệu khi thưởng thức đặc sản ở Bạc Liêu và từ nơi khác tới.

Nhưng khó làm ăn lớn

Đa số người bán khó khăn trong việc tìm nguồn cung chất lượng để đảm bảo uy tín và giữ chân khách hàng. Khi nguồn cung và cầu đều phát triển thì hầu hết người bán sẽ lúng túng trong vấn đề quản lý như quản trị trang, số lượng hàng, nhân sự vận chuyển, vốn...

Hầu hết làm theo trào lưu, thấy tiện thì làm nên chưa thể nói đến chuyện bài bản, mỗi người hành xử, ứng phó theo nhận thức, kinh nghiệm cá nhân.

Bích Trâm cho biết: “Khi có khách đăng ký mua, mình mới đặt hàng nhà sản xuất và phải trả tiền ngay khi nhận hàng nên luôn phải thủ sẵn một số vốn”. Còn anh Bảo Trung, bán đặc sản Bến Tre, cho biết: “Khi bán online thì mình phải là người bán rẻ nhất hoặc mắc nhất thì mới gây ấn tượng được. Phải đảm bảo chất lượng, không treo đầu dê bán thịt chó”.

Theo đa số những người đang bán đặc sản online, món hàng phải được bán với giá cao hơn từ 40-50% so với giá gốc thì mới có lời. Vì mặc dù không tốn chi phí mặt bằng nhưng hầu hết phải tốn chi phí vận chuyển, hao hụt… Ngoài ra, khó khăn nữa là mẫu mã làm sao cho bắt mắt, vì online nhìn hình là chủ yếu...  

Nguyễn Hải Song Phương là chủ website Dacsanviet98.com hoạt động gần 2 năm nay, bà không tiết lộ doanh số mà chỉ cho biết hiện thu chưa đủ chi vì tốn nhiều khoản: phí giao hàng, tủ đông, bao bì, điện thoại, internet...

Bà nói hiện website của bà có 6 nhân viên, từ giao hàng, nhận hàng, quản lý. “Ai cũng tưởng kinh doanh trên mạng dễ ăn. Nếu kinh doanh theo hình thức mua đi bán lại thì lợi nhuận chỉ dao động từ 4-5 triệu đồng/tháng, còn làm ăn bài bản phải đầu tư nhiều thứ”, bà chia sẻ.

Với những mặt hàng tươi sống như cá tươi, mực tươi, hàu... Dacsanviet98.com chỉ chấp nhận đặt hàng trước, cuối tuần sẽ giao hàng. Bà giải thích, vì là hàng tươi sống nên phải thống kê lượng đăng ký, sau đó mới đặt hàng từ Phan Rang chuyển vào, chỉ giao nhanh khi có sẵn hàng.

“Còn việc xác định đó có phải là hàng đặc sản hay không, người bán phải chịu trách nhiệm về xuất xứ, tạo lập niềm tin cho khách hàng. Nhóm hàng thủy sản rất khó chứng minh nguồn gốc nên người bán phải trung thực”, bà chia sẻ.

Cũng theo chủ website này, trong tương lai, khi lượng hàng nhiều, bên giao hàng sẽ xác thực nguồn gốc bằng nhiều cách khác nhau. “Kinh doanh trên mạng, minh bạch thông tin rất quan trọng để cả bên bán và bên mua tin nhau”, bà Phương nói.