Ngày 9/1, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục ngày thứ 2 xét xử giai đoạn hai đại án Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, Chủ tịch HĐTD Sacombank) cùng 44 bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vay đầu này, trả đầu kia
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ năm 2012 VNCB nợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) 2.600 tỷ đồng (Chi nhánh Sở giao dịch 2 là 1.700 tỷ đồng; Chi nhánh Hải Vân là 900 tỷ đồng), đến giữa năm 2013 phải thanh toán.
Để có tiền trả các khoản vay trên, ngày 23/3/2013, Phạm Công Danh chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB gồm: Phạm Công Danh (chủ tịch) và 5 thành viên: Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Vũ Bạch Yến, Trần Hiệp và Phạm Trung Dũng. Trong số 5 thành viên, có 3 thành viên không điều hành là Yến, Hiệp và Dũng không họp nhưng vẫn ký biên bản. Sau đó Phạm Công Danh ký ban hành nghị quyết về việc thống nhất chủ trương dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB tại các tổ chức tín dụng (TCTD) làm tài sản bảo đảm cho các khách hàng vay vốn tại các TCTD mà VNCB có tiền gửi thị trường 2, lý do là dùng chi cho chăm sóc khách hàng… của VNCB.
Giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank) vay tiền. Phạm Công Danh trực tiếp gặp ông Trầm Bê để trình bày lý do cần tiền, nhưng không vay được tiền tại VNCB và đề nghị Trầm Bê cho Danh vay. Do trước đó, Trầm Bê và Phạm Công Danh có mối quan hệ từ khi Trầm Bê còn làm ở Ngân hàng TMCP Phương Nam, đồng thời ông Bê cũng biết Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB, không thể vay tiền tại VNCB nên Trầm Bê đồng ý cho Phạm Công Danh vay. Sau đó Trầm Bê đưa Phạm Công Danh gặp Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank và cả 3 thống nhất Sacombank sẽ cho Phạm Công Danh vay từ 1.300 tỷ đồng đến tối đa 1.800 tỷ đồng, nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Vài ngày sau, Phạm Công Danh đến gặp Khang, Khang mời Bê xuống phòng làm việc để báo cáo với Trầm Bê nội dung đã bàn bạc cho Phạm Danh vay 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.
Lập hồ sơ khống vay… ngàn tỷ đồng!
Tiếp đó, Phạm Công Danh phân công và giao cho Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB đảm nhiệm chính, chuẩn bị nguồn tiền để bảo lãnh. Giao Mai Hữu Khương (thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB phụ trách bộ phận tài chính Tập đoàn Thiên Thanh) và Nguyễn Quốc Viễn (trưởng ban kiểm soát VNCB) hoàn thành thủ tục hồ sơ vay khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Sau đó Khương giao cho Phan Minh Tùng (phụ trách bộ phận kế toán) hỗ trợ Khương lập khống một số tài liệu về tài chính (báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013: bảng cân đối kế toán, bảng cân đố số phát sinh, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo kết quả lưu chuyển tiền tệ, báo cáo tổng hợp khoản phải thu - phải trả khách hàng…) của 6 công ty đứng tên vay tiền, gồm: Nhất Nhất Vinh (vay 250 tỷ đồng), Quốc Thắng (vay 350 tỷ đồng), Bảo Gia (vay 340 tỷ đồng), Thành Thàn Công (vay 250 tỷ đồng), Đại Long (vay 310 tỷ đồng), Hương Việt (vay 300 tỷ đồng).
Ngày 24/4/2013, Khương lập biên bản họp HĐQT và nghị quyết HĐQT để về việc bảo lãnh cho khách hàng vay vốn tại Sacombank, nội dung: HĐQT VNCB phê duyệt việc dùng tài sản là số dư tiền gửi thanh toán của VNCB tại Sacombank chi nhánh quận 8 là 1.236 tỷ đồng, chi nhánh Hưng Đạo là 618 tỷ đồng để đảm bảo khoản vay cho 6 công ty nêu trên.
Ngày 25/4/2013, ông Trầm Bê ký phê duyệt việc chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho 6 công ty của Phạm Công Danh. Một ngày sau, VNCB chuyển 1.854 tỷ đồng tiển gửi vào chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 của Sacombank thì 2 chi nhánh này giải ngân 1.800 tỷ đồng cho 6 công ty của Phạm Công Danh. Tổng số tiền 1.800 tỷ đồng, ngay trong ngày 26/4/2013, được 6 công ty chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh tại Ngân hàng ACB chi nhánh Phú Thọ. Một ngày sau đó, Phạm Công Danh ký ủy nhiệm chi số 71 và 72 từ tài khoản của mình ở ACB chi nhánh Phú Thọ để trả nợ cho BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2 số tiền trên 1.176 tỷ đồng; Chi nhánh Hải Vân trên 457 tỷ đồng. Hơn 166 tỷ đồng còn lại, Danh chuyển về tài khoản của mình tại VNCB để sử dụng.
Thuê bảo vệ, tài xế làm giám đốc
Đến ngày 26/4/42014, hết thời hạn của 6 hợp đồng tín dụng đối với 6 công ty của Phạm Công Danh, phía Sacombank đã tự động thu nợ gốc 1.800 tỷ đồng, lãi vay trên 35,8 tỷ đồng (tổng cộng trên 1.835 tỷ đồng) từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank để thu hồi nợ, đồng thời gửi thông báo cho VNCB và 6 công ty nêu trên biết. Do 6 công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh, không có tài sản đảm bảo, không nhận nợ vay với VNCB nên VNCB không thu hồi được số tiền gửi đã dùng để trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra xác minh hoạt động của 6 công ty đứng tên hồ sơ vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank, là của Phạm Công Danh thành lập. Giám đốc 6 công ty này là…bảo vệ, lái xe hoặc nhân viên tiếp thị của Tập đoàn Thiên Thành do Phạm Công Danh chỉ định, mỗi tháng Tập đoàn Thiên Thanh trả lương cho họ từ 5 - 10 triệu đồng/người. Cả 6 công ty tuy có treo biển hiệu, có kê khai thuế, nhưng không phát sinh doanh thu mua vào - bán ra, từ khi thành lập cho đến nay!
Đại diện Viện KSND Tối cao cũng nhận định, bị cáo Trầm Bê biết Phạm Công Danh cần tiền, nhưng Phạm Công Danh không thể vay trực tiếp tại VNCB nên Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất với Phan Huy Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng thông qua các công ty của Phạm Công Danh. Từ đó Khang chỉ đạo Phan Đình Tùng cùng nhân viên các chi nhánh Hưng Đạo và quận 8 làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân. Hồ sơ cho vay đều là hồ sơ lập khống, 6 công ty vay vốn đều không hoạt động kinh doanh; việc cho vay không thẩm định, không kiểm tra, sau khi cho vay bỏ mặc cho Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định; khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và khi hết hạn cho vay đã tự thu hộ tiền vay…,
“Hành vi của bị cáo Trầm Bê đã giúp sức tích cực và tạo điều kiện để Phạm Công Danh có được tiền sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Trầm Bê đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3 điều 165 BLHS”, cáo trạng buộc tội.