Xã hội hóa việc trang bị bình chữa cháy
Đại biểu Duy Hoàng Dương (tổ huyện Hoài Đức) chất vấn, thời gian qua TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo trong công tác phòng cháy, chữa cháy nhưng thực tế vẫn có nhiều vụ cháy xảy ra, đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết trách nhiệm của các đơn vị liên quan?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Duy Hoàng Dương, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, đây là vấn đề nóng không chỉ của Hà Nội mà của cả nước. Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 05/NQ-HĐND ngày 16/7/2022 của HĐND TP, ngay sau khi có nghị quyết đơn vị đã tiến hành rà soát hơn 2980 cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC cho thấy có 2.971 cơ sở cam kết lộ trình thời gian thực hiện; 2.963 cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện; 2.935 cơ sở được UBND cấp huyện phê duyệt cam kết kế hoạch thực hiện; 735 cơ sở đã xác lập dự toán kinh phí; 146 cơ sở lập hồ sơ thiết kế...
Về tồn tại, hạn chế, hiện có 2 quận, huyện chưa hoàn thành đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch cam kết theo lộ trình; có 3 quận, huyện chưa hoàn thành phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện của cơ sở; 20 quận, huyện chưa hoàn thành đôn đốc cơ sở khảo sát khái quát kinh phí thực hiện; một số quận, huyện để xảy ra sót lọt cơ sở trên địa bàn quản lý.
So với chỉ tiêu TP giao trong năm 2024 hoàn thành khắc phục ít nhất 70% cơ sở (tương ứng với 2.086 cơ sở), mới có 91 cơ sở hoàn thành khắc phục các tồn tại, hạn chế về PCCC, nên khả năng lớn các đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu của TP.
Lý giải nguyên nhân, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan trong vấn đề này, trong đó chủ quan do một số UBND quận, huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm; sự phối hợp với các sở, ban, ngành chưa chặt chẽ; một số người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức đúng về vai trò của công tác PCCC; chưa quan tâm đến công tác PCCC.
"Có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác này. Thời gian qua HĐND TP đã rất quan tâm đến công tác này và việc ban hành Nghị quyết về PCCC tại kỳ họp đã góp phần giải quyết tồn tại hạn chế hiện nay trong công tác PCCC" - Giám đốc Công an TP nêu.
Về phương hướng trong thời gian tới, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, với những đơn vị chưa hoàn thành việc đôn đốc cơ sở xây dựng kế hoạch cam kết lộ trình, lập khái toán kinh phí thực hiện cần khẩn trương hoàn thành; UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch cam kết lộ trình thực hiện của 100% cơ sở trên địa bàn quản lý. Đặc biệt các sở, ban ngành TP Hà Nội và UBND cấp huyện phải chỉ đạo khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế trong công tác PCCCC&CNCH của cơ sở, đơn vị và đơn vị trực thuộc quản lý của đơn vị mình.
Đồng thời, chủ động rà soát tiến độ khắc phục tồn tại của các cơ sở để hướng dẫn cơ sở thực hiện. Với các cơ sở cam kết hoàn thành trong năm 2023 mà chưa thực hiện đúng cam kết thì phải làm việc yêu cầu cơ sở thực hiện đúng. Đối với Sở Tài chính tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban ngành TP về cơ sở thực hiện nghị quyết theo chức năng quản lý, sử dụng ngân sách TP lập dự toán, khắc phục những tồn tại về PCCC theo nghị quyết.
Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổng kiểm tra, rà soát, thống kê các chung cư cũ thuộc đối tượng phải điều chỉnh của nghị quyết nhưng chưa đưa vào danh sách đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết 26-NQ/HĐND TP của HĐND TP liên quan đến chỉ tiêu 100% hộ dân được trang bị bình chữa cháy, 100% có lối thoát nạn thứ hai, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, đến nay có 1.481.237 hộ gia đình tự trang bị được bình chữa cháy (đạt 86,43%); có 75,3% hộ gia đình mở lối thoát hiểm thứ 2; có 13/30 quận huyện chưa hoàn thành việc các hộ gia đình mở lối thoát hiểm thứ 2; còn 20 đơn vị chưa bảo đảm 100% hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy xách tay.
Nguyên nhân do số hộ dân rất lớn, cùng với đó một số cấp ủy chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, chưa chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC theo thẩm quyền mà coi công tác này của riêng lực lượng công an. Đồng thời, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn chủ quan, đặt mục tiêu sản xuất lợi ích kinh tế lên trên hết, chưa quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn PCCC; công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu so với sự phát triển kinh tế-xã hội có nhiều ngõ nhỏ, phố nhỏ nên xe chữa cháy không tiếp cận được hệ thống cấp nước phục vụ công tác chữa cháy.
Đối với việc mua sắm bình chữa cháy, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, hiện nay, tỷ lệ hộ dân chưa tự trang bị tương đối cao, thời gian tới cần tiếp tục đôn đốc.
"Để các gia đình tự trang bị bình chữa cháy là rất khó khăn vì nhiều hộ ăn còn không đủ, vì vậy đề nghị các phường, xã nếu có điều kiện thì mua sẵn, cấp phát cho các hộ, sau đó thực hiện xã hội hóa" - Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung đề nghị.
Nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ
Kết luận về phần chất vấn nhóm vấn đề thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc TP, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đã có 29 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận. Tham gia trả lời chất vấn có Phó Chủ tịch UBND TP, Giám đốc các Sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện và 2 Giám đốc Ban QLDA.
Qua nội dung chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đã đưa ra một số kết luận. Cụ thể, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, đặc biệt là đối với Thủ đô Hà Nội. Xác định ý nghĩa đó, trong các năm gần đây, TP đều xác định chủ đề là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Ngày 07/8/2023, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/2023/TU về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị của TP Hà Nội”, qua đó đã tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát của HĐND TP, qua ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND TP có thể thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc ban hành quy chế, xây dựng và thực hiện chương trình công tác, phân công nhiệm vụ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.
Công tác cải cách hành chính, trong đó có việc nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tỉnh PAPI chưa đạt yêu cầu, có xu hướng giảm. Một số thủ tục hành chính, quy trình nội bộ, định mức, đơn giá còn chậm được ban hành. Vẫn còn tình trạng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính quá hạn, kết quả giải quyết chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Việc tham mưu, đề xuất HĐND, UBND ban hành các cơ chế, chính sách của TP còn chậm; nhiều nội dung phải xin hoãn, lùi thời gian trình, chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo.
Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận giám sát của HĐND, Thường trực HĐND TP ở một số đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm túc, hiệu quả. Một số nội dung được giám sát, tái giám sát nhưng chậm chuyển biến, không đảm bảo tiến độ cam kết, thực hiện chưa hiệu quả. Một số kiến nghị của cử tri có căn cứ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để.
Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả, nhất là trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp.
Vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nội quy, quy chế phân công; có tình trạng thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, tham mưu “lòng vòng”, không rõ quan điểm, tâm lý “bàn lùi”, không làm.
Trên cơ sở nội dung chất vấn của HĐND TP Hà Nội và trả lời của UBND TP Hà Nội, các sở, ngành, UBND các quận, huyện, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo: tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu HĐND TP và xây dựng kế hoạch để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Rà soát toàn bộ các nội dung nhiệm vụ, được giao theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, các yêu cầu sau giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND TP để chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Đối với các nội dung kết luận cụ thể về nhóm chất vấn này sẽ được tổng hợp trình HĐND TP ban hành Nghị quyết phiên chất vấn.