Khai thác cơ hội, hạn chế nguy cơ
ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang) nhận xét, tăng trưởng GDP 2018 vượt chỉ tiêu Quốc hội là tín hiệu tích cực, nhưng tính bền vững chưa vững chắc khi nguồn lực tăng trưởng phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 200% GDP, cho thấy tăng trưởng dựa vào nhu cầu thế giới nhưng nguồn lực đáp ứng nhu cầu (phục vụ sản xuất của khối FDI) lại nhập từ bên ngoài.
ĐB cũng lưu ý: Chính phủ cần tăng dự báo tình hình, nhất là trước thời cơ và thách thức từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; như việc chuyển dịch hàng Trung Quốc và tỷ giá sẽ tránh được những thiệt hại cho xuất khẩu.
Xâu chuỗi các sự kiện kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Mỹ - Trung Quốc, ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng "đã bộc lộ bản chất là cuộc đối đầu chiến lược, không phải thuần tuý thương mại; vì vậy cần xác định đây là cuộc chiến lâu dài đối với cả hai bên".
Việt Nam với vị thế đặc biệt còn phụ thuộc vào 2 thị trường hàng đầu này, nên sẽ chịu tác động lớn từ cuộc chiến này. Như ảnh hưởng từ thương mại, tiền tệ và dòng vốn đầu tư. Tất nhiên có thể có cơ hội đón được dòng vốn đầu tư, thêm các đơn hàng xuất khẩu nhưng đây là thời điểm nhạy cảm đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam chớp được cơ hội nhưng cũng có thể rủi ro tiềm ẩn.
Trong một bối cảnh như vậy ĐB Hà Sỹ Đồng chỉ ra, những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới như chính sách tác động phía tổng cầu gồm chính sách tài khoá và tiền tệ còn rất ít dư địa. Cụ thể như chính sách tài khoá thắt chặt, chỉ trông chờ giải ngân vào vốn đầu tư công đã dự toán sao cho đạt tiến độ đạt hiệu quả. Chính sách tiền tệ thì phải chạy theo mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá, lãi suất nên rất khó nới lỏng, khó được sử dụng là công cụ kích thích kinh tế Việt nam phải chịu cú sốc từ bên ngoài.
“Rõ ràng động lực cho chính sách vĩ mô tới đây chỉ trông chờ vào chính sách tác động từ phía tổng cung, phụ thuộc vào cải cách thể chế và caỉ thiện môi trường đầu tư kinh doanh ưu tiên chính sách đầu tư mới để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài đồng thời phải có hành động cân đối nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế trong nước sản xuất kinh doanh mở rộng quy mô sản xuất”- ĐB nhấn mạnh: Phải quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế quan trọng nhất là thu hẹp kinh tế nhà nước, mở rộng phát triển kinh tế tư nhân vận hành theo cơ chế thị trường. Đa dạng hoá thị trường và đa phương hoá đối tác thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc quá vào Trung Quốc và Mỹ.
Bộ trưởng Công thương: Đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết lĩnh vực công nghiệp, thương mại đã có sự tăng trưởng đều, góp phần đáp ứng mục tiêu cơ cấu lại và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực nền tảng quan trọng. Năm 2016 lĩnh vực này tăng 11,9%; năm 2017 là 14,4% và 9 tháng đầu năm 2018 khoảng 13%.
Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ổn định trong nhiều lĩnh vực chứ không còn phụ thuộc vào một số ngành như trước. Ví dụ trong chế biến hàng điện tử, điện thoại thông minh, dệt may, da giày, ôtô... đều tăng trưởng 2 con số. Tỷ trọng hàng chế biến chế tạo trong cơ cấu hàng xuất khẩu cũng tăng 61% năm 2011, lên hơn 82% đến hết tháng 9/2018.
Về cơ cấu mặt hàng, năm 2011 có 20 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, hiện là 29 mặt hàng. Lãnh đạo ngành Công Thương nhận xét, hiện không còn thị trường nào dễ tính, mà điều họ quan tâm là chất lượng sản phẩm. "Do đó, vượt qua được hàng rào kỹ thuật là điều kiện đầu tiên để vào thị trường thế giới", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Hiện một số sản phẩm của Việt Nam đã từng bước vào được thị trường thế giới, khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị như gạo, cao su; dệt may, da giày...nhưng giá trị gia tăng còn thấp do phụ thuộc vào một số yếu tố, năng suất lao động chưa cao. Ông nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế.
Đề cập tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ông Tuấn Anh bày tỏ sự đồng tình với ĐB Hà Sỹ Đồng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận, "chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không đơn thuần là tranh chấp thương mại, còn là câu chuyện địa chính trị. Điều đó đồng nghĩa sẽ dẫn tới nhiều hệ luỵ". Các bộ ngành thường có nghiên cứu và báo cáo chính phủ về vấn đề này. Chính phủ cũng chỉ đạo để xem xét những nguy cơ và hạn chế nó, hoặc phát huy những lợi ích có thể đem lại. Chiến lược sắp tới đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo là khai thác tốt cơ hội và hạn chế nguy cơ. Bộ trưởng Công Thương hứa, sẽ có báo cáo đầy đủ gửi tới Quốc hội vấn đề này.