Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí công đoàn

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/6, thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đại biểu Quốc hội quan tâm tới mức đóng góp phí công đoàn 2%; việc quản lý nguồn tài chính công đoàn; việc cho phép lao động nước ngoài tham gia tổ chức công đoàn.

Quy định rõ việc công khai tài chính công đoàn

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, việc kế thừa và giữ nguyên đối tượng quản lý sử dụng tài chính Công đoàn, mức đóng 2% kinh phí công đoàn trong Dự thảo Luật nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động; góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ cho đoàn viên người lao động; phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn tỉnh Tuyên Quang) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đối với quy định công khai tài chính công đoàn trên trang thông tin điện tử thông báo, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, việc công khai tài chính của các cấp công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng là không phù hợp, Ban Soạn thảo cần cân nhắc.

Để việc công khai tài chính đạt hiệu quả cao, bảo đảm tính công khai minh bạch, đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định việc công khai tài chính hàng năm được tổ chức thông qua hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức đơn vị để đoàn viên công đoàn được nắm và trao đổi khi cần thiết. Bởi nếu chỉ quy định các hình thức như Dự thảo Luật, vì nhiều lý do khác nhau, đoàn viên sẽ không tiếp cận được thông tin về tài chính công đoàn.

Thảo luận về nguồn tài chính công đoàn tại điều 29 Dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) bày tỏ tán thành việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động. Đồng thời cho rằng, đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài trong nhiều năm, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công đoàn tại điều 30, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, đây là nội dung rất quan trọng, nên quy định ngay trong Dự thảo Luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương)

Theo đại biểu, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng. Cùng với đó, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động của công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 Dự thảo Luật, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa” - đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu.

Cho phép gia nhập công đoàn: thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao

Thảo luận về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài tại Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lựa chọn phương án 1 - cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại cơ sở.

Theo đại biểu, đây là quy định mang tính nhân văn, tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc. Đồng thời, tăng uy tín của Việt Nam trong việc bảo đảm  quyền con người, bảo đảm sự công bằng giữa các lao động trong và ngoài nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

"Trong mối quan hệ ngoại giao có đi có lại, các nước khác có thể sẽ có những hình thức tương tự hoặc các hình thức khác để góp phần bảo đảm hơn nữa quyền lợi của lao động Việt Nam tại nước ngoài" - đại biểu Việt Nga nêu.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, việc cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam được gia nhập Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế bảo đảm sự bình đẳng về quyền công đoàn giữa lao động là người Việt Nam và lao động là người nước ngoài; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, tạo sự thuận lợi để tổ chức công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài. Trong một số trường hợp như thời hạn của giấy phép lao động cho người nước ngoài không lâu đối với trường hợp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn; rào cản về ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động; hướng giải quyết quyền lợi của người lao động nước ngoài gia nhập công đoàn Việt Nam khi chấm dứt hợp đồng lao động và không còn cư trú tại Việt Nam.