Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) điểm lại diễn biến của dịch bệnh Covid -19 trên thế giới và ở nước ta.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, ngày 1 tháng Giêng năm 2020, có người nhiễm đầu tiên chết ở Trung Quốc. Ngày 25 tháng Giêng có 1000 người nhiễm ở Trung Quốc và ngày 28 tháng Giêng có 100 người chết. Lúc đó thế giới chưa biết đặt tên virus là gì. Đến ngày 1/2, Trung Quốc có 12.000 người nhiễm, 1000 người chết. WHO công bố virus corona là nguy cơ dịch toàn cầu nhưng khuyến cáo chưa phải hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
|
Toàn cảnh buổi thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 15/6 |
Đến tháng 3, các nước EU, Singapore vẫn tranh luận có cần đeo khẩu trang hay không thì cho rằng hưa cần đeo. Ngày 11/3, WHO công bố dịch toàn cầu, lúc đó có 117 nước có ca nhiễm với 118.000 người nhiễm, 4.240 người chết. Tức bình quân 1 nước có 1000 người nhiễm vào thời điểm dịch toàn cầu và có 37 người chết. Thờ điểm này, Tổng thống Mỹ cũng coi dịch không phải là vấn đề quan trọng với Mỹ.
Thế giới hiện vẫn lao đao với đại dịch, chưa biết châu Phi bao giờ có dịch lớn xảy ra. Nhưng khi số người chết và tử vong gia tăng mạnh, nhiều quốc gia bắt đầu sợ, y tế khó khăn, nhiều nơi rối loạn khi số người điều trị tiếp tục gia tăng. Các giải pháp căn bản bắt đầu được đưa ra, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần, rửa tay sát trùng, cách ly triệt để.
Theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, như vậy trong 3 tháng đầu năm 2020, thế giới trải qua giai đoạn “1 Chưa” và “3 Không”, đó là 'Chưa biết và Không cần đeo khẩu trang, Không cần hạn chế đi lại giữa các nước, Không cần hạn chế đi lại, tiếp xúc, đóng trường học trong mỗi quốc gia. Kết quả dịch bùng phát ở Trung Quốc vào tháng 2, tháng 3; EU vào các tháng 3-5, Bắc Mỹ trong tháng 5-6... còn “chưa biết Châu Phi khi nào có dịch lớn”.
Ở trong nước, theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, do có sự chỉ đạo từ sớm và kịp thời, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, với tổng số người nhiễm chỉ hơn 300 người.
Về giải pháp phải làm gì trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần tập trung mở cửa theo lộ trình và có sự giám sát chặt chẽ với 17 nước là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt, cần lập lộ trình sớm mở cửa với 10 quốc gia đã cơ bản khống chế được dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… Với các quốc gia còn lại, theo đại biểu, cần theo dõi sát và nhanh chóng mở cửa trở lại khi đủ điều kiện.
Dự báo việc đầu tư nước ngoài trong năm nay có thể giảm 30% so với năm ngoái, du lịch giảm 50%... Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, Việt Nam phải có sự điều chỉnh cho phù hợp tình hình. Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần sớm công bố hết dịch trong nước, khi số người mắc và số người đang điều trị rất thấp.
“Tóm lại, cần lộ trình mở cửa với từng nước, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường trong nước, phát huy sức mạnh văn hóa, chính trị và sức mạnh kinh tế của nước Việt Nam”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau khi khống chế dịch thành công, kinh tế trong nước đã bắt đầu hồi phục. Chính phủ đã chỉ đạo đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Trong đó tập trung củng cố sản xuất công nghiệp, tránh phụ thuộc; thúc đẩy xuất khẩu, khai thác thị trường tiềm năng, như Mỹ, Nhật Bản; thay đổi cấu trúc thương mại mới, kích cầu tiêu dùng trong nước...
Tuy nhiên, tranh luận với đại biểu Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất mở cửa nhập cảnh dần cho các nước hết dịch công bố theo 3 tiêu chí, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho rằng, cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Làn sóng thứ 2 của dịch Covid -19 đang treo lơ lửng trên đầu các nước, trong đó có chúng ta. Các nhà đầu tư cũng lo lắng chúng ta chưa có môi trường an toàn trong tương lai gần với thực trạng là thị trường chứng khoán chưa khởi sắc. Do đó, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, chúng ta cần tiến hành các biện pháp thẩm định nguy cơ bùng phát dịch ở Việt Nam không để bùng phát dữ dội như các nước khác. Các phương pháp này cần dựa vào các nhà khoa học trong ngành y tham vấn để khẳng định sự an toàn dịch bệnh ở Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng bày tỏ đồng ý với đại biểu Quàng Văn Hương (Đoàn Sơn La) phát biểu trước đó khi đánh giá đến hệ thống y tế công cộng đã phát huy hiệu quả rất rõ ràng nhưng có nguy cơ suy yếu do chưa được đầu tư đúng mức. “Do đó nâng cao chất lượng nhân viên y tế tuyến xã, tuyến huyện là nhu cầu cấp bách, có chiến lược đầu tư rõ ràng để nâng cao chất lượng, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa, có như vậy khi có những dịch bệnh mới Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng trên bầu trời thế giới”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.