Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại biểu Quốc hội nói nợ xấu về 3% chỉ là “sạch ảo”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao...

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao phát biểu như vậy tại phiên thảo luận ở tổ trong phiên họp sáng nay (22/10) bàn về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cho thấy nợ xấu chỉ còn vỏn vẹn 2,9% tính đến tháng 9 năm 2015. Vậy, có phải nợ xấu - vấn đề nóng bỏng nhất của nền kinh tế trong nhiều năm nay - đã được giải quyết ổn thỏa?
Ảnh minh họa.
Đại biểu Quốc hội nói nợ xấu về 3% chỉ là “sạch ảo”. Ảnh minh họa.
Theo ĐB Nguyễn Hòa Bình, nợ xấu đang “rất xấu” là vấn đề trầm trọng của nền kinh tế vì tỷ lệ lớn và tăng nhanh nhưng việc giải quyết nợ xấu chưa triệt để, mà chỉ “lấy chỗ này gom vào chỗ kia (VAMC)”.

Ông Bình nói, thực tế khi VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng được công nhận là “sạch” mà theo chyên gia là “xấu hơn nợ xấu” do nợ xấu xuất phát từ khả năng quản trị, tiêu cực trong hoạt động, tạo ra cho ngân hàng bộ mặt “sạch ảo” để chuẩn bị cho việc làm phát sinh “nợ xấu” mới mà khả năng là lớn hơn.

“Rất khó giải quyết các khoản nợ xấu mà VAMC gom về theo đúng chỉ đạo “thực chất” mua đứt bán đoạn. Đơn cử như 1 tài sản được thế chấp cho rất nhiều tổ chức tín dụng thì CQĐT không biết giải quyết cho chủ thể nào, không thể bán để giải quyết là câu chuyện rất khó trong xử lý mà thường phải gắn với 1 vụ án hình sự, làm khó cho các cơ quan tố tụng”, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ ra.

ĐB Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế chia sẻ, nợ xấu chuyển qua VAMC thực ra chỉ là “dồn về một chỗ” nhưng trong báo cáo của CP về nợ xấu không tính những khoản nợ đã được VAMC mua về nên tỷ lệ nợ xấu giảm. Nếu không gỡ được nợ xấu thì không thể tiếp tục hoạt động, yếu tố quản trị, nhân sự là vấn đề cần quan tâm, hợp lý và DN vẫn khó khăn và theo số liệu được ĐB Giàu đưa ra, số DN ngừng hoạt động trong năm 2014 là 67.800 DN trong khi 9 tháng đầu năm 2015 đã lên tới 54.556 DN.

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) kiến nghị nhanh chóng xử lý nợ xấu, mong muốn sớm thông qua và ban hành luật đấu giá tài sản để cứu cánh khối lượng nợ xấu rất lớn hiện nay. Tháo gỡ để tổ chức nước ngoài có thể tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu. Ngoài ra, theo ĐB Hùng, quản trị thấp khiến nợ xấu gia tăng, cần nâng cao chức năng thanh tra của NHNN, kiên quyết xử lý các NH yếu kém, có cơ chế phát triển lành mạnh thị trường vốn, định hướng phân bổ nguồn vốn hợp lý.

Dù đánh giá cao tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thời gian qua đã đạt những kết quả nhất định song ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) vẫn băn khoăn: “Tái cơ cấu ngân hàng được đánh giá thành công lớn, nhưng cử tri lo ngại nhất là việc mua ngân hàng 0 đồng. Biện pháp này cần thiết phải làm, cấp bách. Một số ngân hàng âm do nợ xấu ,nếu rút ra thì sập. Nhưng nếu mua ngân hàng 0 đồng tức là Nhà nước (mà ở đây là NHNN) đang gánh nợ đó. Liệu có thu hồi được không? 3-5 năm nếu không khắc phục được thì lại ngân sách chịu, lấy đâu ra? Mua 3 ngân hàng 0 đồng, thế thì ảnh hưởng ngân sách".

"Một số chuyên gia nói nhạy cảm không dễ công khai nhưng Quốc hội phải giám sát vấn đề này. Ít nhất Ủy ban Kinh tế hay Ủy ban Tài chính NS của QH thành lập 1 ủy ban để giám sát việc này. Nếu không chúng ta gánh mấy chục nghìn tỷ cái này. Có những chuyên gia nói nợ quá thì cho phá sản chứ sao ôm? Đúng là có vấn đề về xã hội, nhưng như bên Hoa Kỳ họ giám sát từng đồng ngân sách”, ĐB Nghĩa phát biểu.
Cũng tại phiên họp tổ sáng nay, nhiều ĐB lo lắng trước tình hình kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động chưa cao; giá một số sản phẩm nông nghiệp giảm; ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết tốt; an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông vẫn diễn ra phức tạp…