Đại biểu Quốc hội tán thành nhiều chính sách đặc thù đối với Thủ đô

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và cơ bản tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô.

Trách nhiệm đối với cử tri và Nhân dân Thủ đô đã tin tưởng

Chiều 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội và thảo luận tại tổ. Sơ bộ, các đại biểu Quốc ủng hộ, đồng tình cao và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng nhằm mục tiêu phát triển Thủ đô xứng tầm trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi)
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi)

Sau phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chia sẻ, việc đóng góp xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ là trách nhiệm của đại biểu dân cử nói chung, mà còn là trách nhiệm đối với cử tri và Nhân dân Thủ đô đã tin tưởng, gửi trọn niềm tin vào lá phiếu bầu các đại biểu Quốc hội đại diện cho Thủ đô Hà Nội - Thủ đô của cả nước.

Ý thức được trách nhiệm của mình, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, các đại biểu Quốc hội đã tích cực tham gia quá trình xây dựng Luật từ sớm. Một số đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội đã tham gia, là thành viên Ban Chỉ đạo của Thành ủy do Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội là Trưởng ban Chỉ đạo. Từ năm 2022, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chủ động phối hợp với UBND TP tổ chức hội nghị tọa đàm về "Một số cơ chế, chính sách xây dựng luật Thủ đô (sửa đổi)". Đồng thời, tham gia đóng góp ý kiến đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô (sửa đổi) và Đề cương chi tiết của Luật…

Bước sang năm 2023, sau khi Quốc hội thông qua việc bổ sung Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, công tác lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV chiều 10/11
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội tham dự Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV chiều 10/11

Bên cạnh việc lấy ý kiến trước Kỳ họp thứ 6, tiếp xúc cử tri thường kỳ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức 2 hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về Luật Thủ đô (sửa đổi). Từ đó, đã lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, công nhân, người lao động về dự thảo Luật. Một số đại biểu Quốc hội trên cương vị công tác của mình đã tham gia, tổ chức một số cuộc tọa đàm; hội thảo về cơ chế, chính sách đề xuất tại Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chất lượng

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, sau khi nghe Tờ trình và thảo luận tại tổ vào chiều 10/11, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Ban soạn thảo, mà trực tiếp là Bộ Tư pháp, TP Hà Nội và cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi hồ sơ tài liệu đến Quốc hội từ sớm, bảo đảm thời gian cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu.

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất sự cần thiết ban hành Luật và cơ bản tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô, trong đó có nội dung mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Dự án Luật tuy quy mô không lớn, gồm 7 chương và 59 điều nhưng lại rất khó về kỹ thuật lập pháp và đặc biệt quan trọng. Tính chất quan trọng không phải chỉ ở số chương, số điều, mà là ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô. Dự thảo Luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành qua tổng kết thực tiễn thấy rằng vẫn tiếp tục phát huy giá trị. Đây là những vấn đề sẽ được đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ hơn tại phiên thảo luận ở hội trường, dự kiến diễn ra ngày 27/11 tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tổ chiều 10/11
Các đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội thảo luận tổ chiều 10/11

“Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ và tại hội trường tại Kỳ họp thứ 6, cơ quan chủ trì thẩm tra và Ban soạn thảo, thành phố Hà Nội sẽ chắt lọc, xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình đi lên của đất nước” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh.

Tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô

Liên quan quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND và HĐND TP trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho hay, dự thảo Luật được xây dựng trên quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô, nhiều thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được xem xét giao cho HĐND TP, UBND TP. Với hơn 100 nhiệm vụ dự kiến tăng thêm, việc củng cố tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của HĐND TP, HĐND quận, thị xã là cần thiết.

Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội như đề xuất trong Dự thảo Luật là sự kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, đã được đánh giá hiệu quả tích cực, có tính khả thi từ thực tiễn nhằm tăng tính chủ động, trách nhiệm, nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát, ban hành các nghị quyết để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền trách nhiệm của HĐND, các ban HĐND.

“Tôi tán thành việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền TP trong việc quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, ví dụ như phân quyền theo HĐND TP quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP, quận, huyện, thị xã hay quy định phân quyền trong việc quyết định biên chế tăng thêm trên cơ sở khung danh mục vị trí việc làm do cơ quan có thẩm quyền quy định từ nguồn biên chế dự phòng và khả năng cân đối ngân sách của TP Hà Nội…" - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nêu quan điểm.

Đồng thời cho biết, về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND TP, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành và cũng cân nhắc cần quy định những nguyên tắc, trách nhiệm của Thường trực HĐND TP tương ứng thẩm quyền được giao.