Đại biểu Quốc hội: Thúc đẩy mạnh hơn về hoàn thiện thể chế kinh tế số

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cho rằng các mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 là rất thách thức, ĐB Lê Hoàng Hải cho rằng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế số, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy sáng tạo các mô hình kinh doanh số.

Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Hoàng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách sách Nhà nước năm 2022 và dự kiến kế hoạch năm 2023.

Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3000% về giá trị

Trong phát biểu của mình, ĐB Quốc hội Lê Hoàng Hải (Đoàn tỉnh Đồng Nai) nhận định, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất mạnh mẽ, xu thế kinh tế số là bước phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia, là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỉ USD, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3/6 thị trường lớn nhất của ASEAN và 14/50 của châu Á. Việt Nam thuộc tốp đầu thế giới về sở hữu tiền kỹ thuật số và tài sản không thể thay thế NST. Thanh toán điện tử bùng nổ tăng 3000% về giá trị so với năm 2016. Trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ ba về thu hút vốn khởi nghiệp, dẫn đầu nhóm 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp với thứ hạng 44 trên 132 về chỉ số đổi mới toàn cầu.

Quang cảnh phiên thảo luận. 
Quang cảnh phiên thảo luận. 

ĐB cũng đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời cũng như thống nhất với quan điểm định hướng chiến lược của Chính phủ trong Quyết định 411 về chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số năm 2025, định hướng năm 2030.

Tuy nhiên, ĐB Lê Hoàng Hải cho rằng mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỉ trọng 20% GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP. Tỉ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20% là những mục tiêu rất thách thức.

Bên cạnh một số kết quả ấn tượng, câu chuyện chuyển đổi số của Việt Nam cũng đang đối diện với không ít thách thức về thể chế, về đo lường quy mô kinh tế số; vấn đề dữ liệu lớn và chuyển dữ liệu xuyên biên giới, hạ tầng số; chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển công nghệ, rủi ro an toàn, an ninh mạng; sở hữu trí tuệ, văn hóa số, lộ trình và giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số, mức độ sẵn sàng và thực thi chuyển đổi số của doanh nghiệp, của nền kinh tế.

Sớm thử nghiệm tiền kỹ thuật số

Để hợp lực chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, ĐB Lê Hoàng Hải đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm tới việc hoàn thiện thể chế kinh tế số, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế hơn nữa, đặc biệt là một số nội dung rất cấp thiết.

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận. 
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận. 

Theo đó, sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để bảo vệ mỏ vàng của kinh tế số; ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy các giao dịch điện tử tin cậy, an toàn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát để hỗ trợ thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các mô hình kinh kinh doanh số, tài sản số, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, bất động sản số, bảo hiểm số, giáo dục số và y tế số. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, thống nhất thước đo kinh tế số theo giá trị gia tăng chứ không theo doanh thu.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần sớm nghiên cứu và thử nghiệm tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương; xây dựng cơ chế thúc đẩy, chia sẻ dữ liệu trên Cổng dữ liệu quốc gia; xây dựng chương trình hành động triển khai Chiến lược quốc gia để phát triển kinh tế số.

Gỡ nút thắt đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn tỉnh Kiên Giang) nêu rõ, trong năm vừa qua, với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2022 đã phác họa lên bức tranh kinh tế với nhiều điểm sáng, với 14/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế ước đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả đã khẳng định các chủ trương, chính sách ta đã ban hành là cần thiết, kịp thời, đáp ứng cơ bản yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị cần quan tâm giải quyết tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. 
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị cần quan tâm giải quyết tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. 

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Còn một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả hơn. Cụ thể, cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đến nay, tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch còn chậm chạp, không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như khi đã đề ra.

ĐB cũng cho rằng, cần giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế kéo dài từ đầu đại dịch đến nay. “Vấn đề cán bộ, công chức, viên chức, đặt biệt là trong ngành y tế, giáo dục nghỉ việc cũng làm cho cử tri lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động, các dịch bệnh khác có thể bùng phát” – ĐB Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Theo ĐB, cần phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp bình ổn giá cả thị trường, khắc phục hạn chế trong điều hành giá xăng để ổn định kinh tế, bảo đảm đời sống người dân.