Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng, quy trình xây dựng luật cần thay đổi theo hướng khoa học, chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng, minh bạch khi thực thi.
Không “hở”, làm sao “lách” đượcTại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, khi thảo luận về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đưa ra ví dụ: “Quy định dự án 1.000 tỷ đồng phải giải trình Quốc hội nhưng chia ra làm 2 gói 500 tỷ đồng thì không phải ra Quốc hội. Vậy luật có lỗ hổng không? Nếu không có thì làm sao lách được? Luật nào, chính sách nào cũng lách được hết”. Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, ông có nhận định thế nào về vấn đề này?- Không chỉ những dự án phải trình Quốc hội mà các dự án nhỏ cũng tìm cách lách. Luật đấu thầu cũng đã quy định rõ, dự án thế nào thì chỉ định thầu, thế nào thì đấu thầu rộng rãi. Người ta thường vận dụng chia nhỏ các gói thầu để có thể tránh đấu thầu rộng rãi để chỉ định thầu. Việc trốn đấu thầu có thể thủ tục nhanh hơn, đẩy nhanh tiến độ, nhưng cái động cơ chính ở đây có thể là do lợi ích các bên nhiều hơn khi không phải đấu thầu. Vấn đề là tại sao có thể chia nhỏ được gói thầu như thế? Rõ ràng luật vẫn chưa chặt chẽ mới tạo kẽ hở để lách. Nếu luật quy định cụ thể như thế nào là một gói thầu, nếu cố tình chia đôi hoặc phân thành 2 giai đoạn sẽ làm mất tính trọn vẹn của gói thầu hoặc khi các gói thầu cùng một tính chất công việc, tiến hành trên cùng một địa bàn, sử dụng cùng một nguồn vốn do cùng một chủ đầu tư tiến hành vào thời điểm liền kề nhau phải được coi là một gói thầu. Những việc như thế cần phải cụ thể, chặt chẽ thì chắc sẽ không còn chuyện chia nhỏ gói thầu."Lách luật” có thể nói là một từ rất quen thuộc hiện nay. Vậy theo ông, việc lách luật này đang ảnh hưởng thế nào đến quản lý và đời sống xã hội?- “Lách luật” trước hết sẽ làm mất ý nghĩa điều tiết của luật pháp, làm giảm hiệu lực quản lý của cơ quan Nhà nước, không quản lý được sẽ dẫn đến thất thoát nguồn thu như thuế hoặc Nhà nước phải bỏ ra các chi phí nhiều hơn cho cùng một hoạt động. Bên cạnh đó còn tạo ra sự bất bình đẳng trước pháp luật giữa các đối tượng cùng chịu sự điều tiết của luật pháp. Những người “lách luật” đương nhiên được hưởng lợi, được đặc quyền riêng, trong khi những người nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ một cách minh bạch lại chịu thiệt, tạo ra sự bất bình đẳng về trách nhiệm, về lợi ích.Có tình trạng ấy, chứng tỏ luật pháp còn có kẽ hở, nếu không “hở” làm sao “lách” được. Kẽ hở này xuất phát từ hai nguyên nhân: Thứ nhất là những quy định của luật chưa cụ thể, còn mang tính chất chung chung, trong quá trình soạn thảo còn thiếu kinh nghiệm, thiếu thực tiễn.Thứ hai, kẽ hở luật pháp không phải khoảng trống đơn thuần mà thông qua rất nhiều móc nối. Ví dụ, một nhà sản xuất rượu, bia muốn lách luật để trốn thuế tiêu thụ đặc biệt thì bán hàng cho một công ty con với giá rất thấp để nộp thuế tiêu thụ đặc biệt thấp, sau đó công ty con bán ra thị trường với giá cao thì phần lợi nhuận chỉ phải nộp thuế thu nhập DN với mức thấp hơn nhiều so với thuế tiêu thụ đặc biệt.Những kẽ hở để lợi dụng này rất có thể đã được cố tình tạo ra do bản thân những người khi chắp bút, xây dựng luật cũng đã bị chi phối bởi những yếu tố của lợi ích nhóm. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới khi những tập đoàn, nhà tài phiệt đi vận động, nói cách khác là chạy chính sách. Nên cũng không loại trừ khả năng những kẽ hở được cố tình tạo ra từ lợi ích nhóm.Trách nhiệm rõ hơn, đừng “hòa cả làng”Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng, chính một số cơ quan quản lý chỉ cho DN các chiêu để “lách”?- Tôi cho rằng không phải không có, bởi bản thân người quản lý phải am hiểu trường hợp nào phải xử lý, trường hợp nào có thể bỏ qua. Lợi ích kép khi DN được lợi mà cơ quan quản lý cũng không mang tiếng bao che, làm sai vì đã thực hiện đúng chức trách, do luật pháp không kín kẽ, vận dụng thế nào cũng được.Vì lợi dụng quy định chưa chặt chẽ, nên không chỉ các DN chịu sự điều tiết tìm cách lách luật, mà ngay chính những người có trách nhiệm thực thi luật pháp cũng tìm cách “lách luật” để vận dụng theo hướng có lợi hơn cho nhóm này, bảo vệ nhóm kia, hoặc thích “quản” chặt DN cũng không phản ứng được hoặc muốn bỏ qua không “quản” cũng chẳng sao. Đấy là điều chúng ta hay nói đến, Việt Nam không thiếu luật: ăn cắp cái bánh mì có thể bị xử lý hình sự nhưng “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”!Khi bàn về công tác xây dựng luật, đã có ý kiến đặt ra vấn đề, luật đang chạy theo các vấn đề của cuộc sống hay bao phủ các vấn đề của cuộc sống dẫn đến “tuổi thọ” luật khá ngắn. Như câu chuyện về khối tài sản của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa sau cổ phần hóa mới đây, vừa qua, cơ quan quản lý cũng đã phải sửa một số quy định cho phù hợp.- Tuổi thọ của Luật ngắn cũng có tính hai mặt. Mặt tích cực là những gì quy định đã lỗi thời phải mạnh dạn điều chỉnh sửa đổi để phù hợp với những đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đang trong quá trình chuyển đổi. Mặt hạn chế là do các quy định luật của chúng ta hiện nay còn đang chạy theo xử lý những vấn đề bất cập đặt ra trong thực tế, khi giải quyết xong bất cập này lại nảy sinh bất cập khác và cứ như thế lại phải chạy theo, phải sửa.Còn câu chuyện cổ phần hóa DNNN đã mang lại lợi ích cho một nhóm đối tượng một phần do lỗ hổng luật pháp nhưng một phần cũng do chính sách của Nhà nước đối với người lao động đã bị lợi dụng và trục lợi. Quy định trước kia của Nhà nước cũng đặt mục tiêu khuyến khích người lao động mua cổ phần để làm chủ DN bằng các chính sách bán cổ phần ưu đãi. Một số người tranh thủ, lợi dụng được cơ hội ấy để giữ được trong tay lợi ích nhiều hơn. Cơ hội ấy xuất phát từ bản thân lợi thế về vị trí của họ, cộng với yếu tố khách quan là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động đã không mua hoặc mua rồi mang bán lại đã tạo cho những người có có vị thế chớp thời cơ. Nhưng không thể phủ nhận đúng là quy định chưa chặt chẽ nên mới dẫn đến tình trạng này.Để tránh tình trạng “lách luật”, theo ông cần những giải pháp gì từ xây dựng, đến hướng dẫn, thực thi và giám sát thực thi luật, chính sách pháp luật?- Luật cứ quy định chung chung, nên người ta thực hiện cũng được, không cũng được. Như trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, quy định Nhà nước phải hỗ trợ cho DN về vốn, thị trường… Nhưng hỗ trợ thế nào, đến mức độ nào lại không quy định cụ thể, nên dù là “phải” nhưng khi nào thích thì mới hỗ trợ, không thích thì thôi cũng chẳng sao.Thực tế hiện nay chúng ta đang đi vào góp ý cho cả một văn bản luật, nên khó có thể góp ý hết được. Nhiều buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội mất nhiều thời gian về từng câu chữ mà ngay đại biểu cũng không thể đủ chuyên môn với ngữ nghĩa của nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, quy trình phải thay đổi, góp ý và thảo luận chỉ nên đi vào ý tưởng, đề cương, như điều luật này sẽ quy định cái gì, điều tiết, cho phép hay không cho phép cái gì. Đó là những cái phải đưa ra để thống nhất, thảo luận, còn khi viết cụ thể thành câu chữ thế nào sẽ do chuyên gia soạn thảo. Trách nhiệm nhà chuyên môn viết luật phải đảm bảo diễn đạt đúng ý định và mục tiêu điều tiết; nếu sai thì người viết phải chịu trách nhiệm, còn ý tưởng sai, cơ quan thẩm định phải chịu trách nhiệm. Lúc ấy, sau khi ban hành luật có kẽ hở, lỗi tại ai thì sẽ dễ dàng truy cứu được, chứ không lại hòa cả làng như hiện nay.Xin trân trọng cảm ơn ông!Tôi cho rằng quy trình xây dựng luật pháp hiện nay cũng cần phải làm chặt chẽ hơn. Hiện nay, dù Quốc hội là cơ quan lập pháp, nhưng mới chỉ dừng ở việc “thông qua”, còn làm luật thực chất vẫn do các bộ, ngành của Chính phủ. Nên có tình trạng cái gì dễ thì đưa vào, cái gì khó cho quản lý thì bỏ đi.PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội |