Đại dịch Covid-19 dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế lớn nhất sau nhiều thập kỷ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Sáng 23/7, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) công bố báo cáo đánh giá "Tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới".
Quang cảnh hội thảo.

Báo cáo khẳng định, đại dịch Covid-19 đã giảm đáng kể doanh thu của cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỷ lệ doanh thu trung bình tháng 5/2020 so với tháng 12/2019 của nhóm doanh nghiệp và hộ kinh doanh dao động lần lượt: 15,6 - 49,4% và 7,5 - 36,4% (tùy lĩnh vực).
Điều này buộc hầu hết các đơn vị phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động, do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và những gián đoạn trong cung ứng đầu vào.
Tại buổi công bố, ông Lưu Quang Khánh - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Báo cáo đưa ra các khuyến nghị để Chính phủ tinh chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động. Đặc biệt là việc tiếp tục triển khai các gói bảo trợ xã hội.

Thực tế, nhờ những giải pháp chính sách kịp thời của Chính phủ, kết quả phục hồi trong giai đoạn đầu sau dịch của Việt Nam là rất tích cực. Thu nhập trung bình vào tháng 5/2020 đã phục hồi đáng kể và đạt 51% so với mức tháng 12/2019 (so với chỉ 30% vào tháng 4/2020).

Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nêu rõ mục đích của báo cáo là cung cấp thông tin cho việc ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch. Đây là đánh giá đầu tiên thực chứng tác động của Covid-19 tới các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, tác động tới tình trạng nghèo đói và bao gồm thông tin về tình hình phục hồi sớm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần