Nguy cơ đóng cửa trường
Rất nhiều trường ĐH NCL thừa nhận: Mặc dù con số báo cáo lên Bộ GD&ĐT về số lượng tuyển được theo chỉ tiêu "khá đẹp", nhưng thực tế, nhiều trường đang đứng trước nguy cơ phải tự giải thể vì không tuyển đủ sinh viên. Và nếu công bố con số thật, mùa tuyển sinh sau sẽ không còn thí sinh nào dám đăng ký xét tuyển vào những trường này.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Lương Thế Vinh, với cơ chế tuyển sinh, quan niệm của xã hội về trường NCL như hiện nay, việc các trường NCL khó tuyển là tất yếu: "Chẳng có phụ huynh nào chủ định cho con học trường NCL, khi mà học trường NCL vừa không được coi trọng, vừa phải đóng học phí cao". Lãnh đạo một số trường NCL cho rằng, trong kỳ thi tuyển sinh 2013, Bộ GD&ĐT nên cho phép các trường NCL tự đưa ra mức điểm sàn, còn điểm sàn do Bộ GD&ĐT quy định chỉ nên áp dụng cho những trường công lập. Đồng quan điểm, ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông cho biết: Năm 2012, một số trường công lập đã lấy điểm đầu vào bằng điểm sàn, như vậy cơ hội của các trường NCL hầu như không có.
Lãnh đạo các trường NCL tìm cách "gỡ rối" tuyển sinh sáng 19/12.
Ngoài ra, ông Lương Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng ĐH, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL còn đề nghị, nên có mức điểm sàn khác nhau với từng loại trường khác nhau. Những trường có chất lượng cao thì điểm sàn cao, chất lượng trung bình điểm sàn vừa phải, chất lượng thấp, điểm sàn thấp. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác lại đề xuất hỗ trợ cho sinh viên học trường ngoài công lập 10 - 20% học phí.
Kiến nghị bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng
Rất nhiều ý kiến cho rằng, giữa ĐH công lập với ĐH NCL chưa có sự công bằng. Việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường được kéo dài thời gian tuyển sinh đến 30/11 khiến các trường NCL càng khó tuyển thí sinh. Thế nên, đa số các trường NCL tiếp tục kiến nghị Bộ GD&ĐT tạo 2 phương án: Bỏ điểm sàn vào ĐH, CĐ; hoặc có 2 điểm sàn (1 điểm sàn vào trường công lập, 1 điểm sàn vào trường ngoài công lập).
Không ai phủ nhận tình trạng các trường NCL khó tuyển sinh đã diễn ra nhiều năm, nhưng năm nay đặc biệt khó khăn, một phần là do Bộ GD&ĐT thay đổi quy chế tuyển sinh. Việc kéo dài thời gian xét tuyển, gia hạn nhiều đợt… tưởng là tạo điều kiện cho các trường top dưới, các trường NCL nhưng thực chất chỉ thuận lợi cho các trường top trên, top giữa, các trường công lập. Một lãnh đạo ĐH NCL còn thẳng thắn: "Những nguy cơ của các trường NCL đã bàn nhiều. Chúng ta cũng sẵn sàng đối thoại với Bộ GD&ĐT, hay cấp lãnh đạo cao hơn xem những chính sách được đưa ra đã đúng chưa. Gần 50.000 sinh viên, hơn 3.000 cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ NCL là con số không nhỏ đang phải đứng trước nguy cơ giải thể nếu Nhà nước không có chính sách giúp đỡ". Sắp tới, 80 trường ĐH, CĐ NCL dự kiến sẽ cùng ký vào đơn kiến nghị gửi các bộ, ngành liên quan để… kêu cứu.
Đây không phải là lần đầu tiên Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL có kiến nghị. Những kiến nghị tương tự đã được Hiệp hội đưa ra từ năm 2010, mục đích là để các trường NCL tuyển sinh "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, ai cũng có thể thấy việc thí sinh quyết định tham gia dự tuyển vào một trường ĐH, CĐ, dù đó là trường CL hay NCL không chỉ phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh, mức điểm sàn hay thời gian xét tuyển mà còn phụ thuộc vào năng lực, điều kiện dạy và học, nhất là uy tín xã hội của trường đó, điều mà không ai có thể "cho" được. Và một câu hỏi đặt ra là, liệu một số trường yếu kém thật sự thì có cần được "cấp cứu" không?