Sáng nay, 4/10, Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức họp báo thông tin, giới thiệu về Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì họp báo.
Gần 1.400 đại biểu tham dự Đại hội
Tại họp báo, Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Văn Tiến cho hay, đến ngày 4/10, toàn bộ 10.597 đơn vị cấp xã, 704 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, huyện; toàn bộ 63 tỉnh, TP đã hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029.
Về đề án nhân sự, số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X là 405 vị (tăng 20 vị so với khóa IX). Trong đó, tái cử 249 vị (tỉ lệ 61,5%), mới 156 vị (tỉ lệ 38,5%). Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 6 vị (bằng khóa IX), Phó Chủ tịch không chuyên trách có 8 vị (tăng 2 vị so với khóa IX).
Dự kiến nhân sự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X gồm 72 vị (tăng 10 vị so với khóa IX), trong đó tái cử 49 vị, mới 23 vị, với thành phần gồm người đứng đầu các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu, cán bộ chuyên trách Mặt trận.
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2024-2029), sẽ diễn ra trong các ngày 16, 17, 18/10/2024 tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội dự kiến có gần 1.400 đại biểu, trong đó 1.052 đại biểu chính thức, 337 đại biểu đương nhiên, 132 đại biểu chỉ định.
Về cơ cấu, đại biểu là nữ 324 vị (tỷ lệ 30,7%); đại biểu là người ngoài Đảng 492 vị (46,7%); đại biểu là dân tộc thiểu số 267 vị (25,3%); đại biểu là tôn giáo 198 vị (18,8%); đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài 20 vị (1,9%); đại biểu là các doanh nghiệp 152 vị (14,4%); đại biểu là cán bộ Mặt trận chuyên trách 271 vị (25,7%).
Trong đó, trình độ từ đại học trở lên là 912 vị (86,7%), gồm: Giáo sư, Phó Giáo sư - Tiến sĩ 56 vị; Tiến sĩ 85 vị; Thạc sĩ 225 vị; Đại học, cử nhân: 546 vị.
Đại biểu trẻ tuổi nhất là 20 tuổi, sinh năm 2004 (chị Bà Thị Hà, cá nhân tiêu biểu dân tộc S'Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Đại biểu cao tuổi nhất 95 tuổi, sinh năm 1929 (Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam).
Về khách mời, dự kiến có khoảng 300 đại biểu là các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các địa phương; đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam…
Cũng theo Ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chương trình hành động Đại hội có 6 nội dung, gồm: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Một kỳ Đại hội có nhiều điểm đổi mới
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng đã nhấn mạnh tới những điểm mới đối với Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Trong đó cho hay, công tác Mặt trận ngày càng nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền địa phương, nhất là các tầng lớp Nhân dân, khẳng định vị thế của MTTQ Việt Nam và vị trí, vai trò quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây đồng thời là những yêu cầu, thách thức đặt ra ngày càng cao hơn đối với công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, tạo nền tảng và động lực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2030).
Để đáp ứng được yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, văn kiện Đại hội lần này được xây dựng trên cơ sở bám sát các chủ trương mới của Đảng và tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng tình hình công tác Mặt trận từ cơ sở, lấy ý kiến rộng rãi các ngành, tổ chức thành viên và các tầng lớp Nhân dân, trong đó có những điểm mới nổi bật.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, tiêu đề dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội thể hiện quan điểm mới về vai trò nòng cốt chính trị và nhiệm vụ bao trùm của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng mới. Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung một số kết quả, nhiệm vụ mới từ thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự sáng tạo, linh hoạt của Mặt trận, kết quả có tính lay động, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Cùng đó, bổ sung nội dung đánh giá khái quát quá trình 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng và bổ sung mới một chương trình hành động “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của Nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.
Đặc biệt, phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2024-2029 được xác định cụ thể, khả thi, đồng thời bổ sung rõ các chỉ tiêu có định lượng để triển khai thực hiện.
Trong đó nêu rõ, hằng năm, phấn đấu hầu hết khu dân cư tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; mỗi khu dân cư có ít nhất 1 công trình hoặc phần việc tiêu biểu, cụ thể góp phần xây dựng, phục vụ cộng đồng, phát triển KT-XH của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phấn đấu huy động nguồn lực xã hội 45.000 tỷ đồng, trong đó huy động thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp là 10.000 tỷ đồng và thông qua các chương trình an sinh xã hội trên 35.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hằng năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện ít nhất 3 chương trình, nội dung giám sát phạm vi toàn quốc; mỗi tổ chức CT-XH tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát phạm vi toàn quốc; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức ít nhất 2 chương trình, nội dung giám sát. Đồng thời, phấn đấu hằng năm, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phản biện xã hội ít nhất 4 dự thảo luật, văn bản QPPL; mỗi tổ chức CT-XH ở Trung ương phản biện xã hội ít nhất 2 dự thảo văn bản; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh phản biện xã hội ít nhất 3 dự thảo văn bản.
Cấp huyện, cấp xã căn cứ tình hình và nhu cầu thực tế, lựa chọn nội dung và hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện.
Song song đó, hàng năm, MTTQ Việt Nam ở mỗi cấp phấn đấu ít nhất 2 cuộc góp ý xây dựng Đảng, cơ quan Nhà nước và chính quyền cùng cấp; Ban Công tác Mặt trận khu dân cư góp ý cho chi ủy chi bộ và trưởng thôn, tổ trưởng dân phố.