Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại hội Đảng lần thứ 19: Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển sáng tạo

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19 được ví với sự kiện ông Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Hoa đứng lên và nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở cửa kinh tế.

Cột mốc quan trọng
Đại hội 19 diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 18/10 đến trưa 24/10. Kỳ đại hội này sẽ đưa ra đường hướng phát triển đất nước, bầu những nhà lãnh đạo mới Trung Quốc trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Ủy ban Trung ương đảng với 200 thành viên chính thức và 100 thành viên dự khuyết sẽ được bầu ra từ đại hội 19. Tiếp đó, cơ quan này sẽ bầu ra 25 thành viên Bộ Chính trị, với các ủy viên thường là đại diện của các thành phố trực thuộc trung ương như Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân, và lãnh đạo của quân đội, cơ quan chính phủ. Cơ cấu quyền lực cao nhất Trung Quốc là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm 7 thành viên, cũng sẽ được bầu ra từ đây. 
 Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19 sẽ bầu các vị trí chủ chốt trong 5 năm tới.
Tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội 19, ông Tưởng Kiến Quốc - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trung Quốc cho biết, Đại hội 19 sẽ không chỉ đặt ra nhiệm vụ cho 5 năm tới mà cả hai đến 3 thập niên tiếp theo.
Cách đây 5 năm, tại cuộc họp báo sau khi nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến "Giấc mơ Trung Hoa" và cam kết, cuộc sống tốt hơn của người dân sẽ là nền tảng chính trong các mục tiêu của đảng.
5 năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, với những thách thức về kinh tế và chính trị, giới phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình đang đi đúng hướng. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ lớn trên nhiều lĩnh vực như siết chặt kỷ luật, bài trừ nạn tham nhũng, cải thiện đời sống của người dân, tăng cường sức mạnh quốc phòng và nâng tầm vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Vì vậy, Đại hội 19 lần này sẽ là bước tiếp tục đưa nền kinh tế thứ 2 thế giới hướng đến giai đoạn phát triển sáng tạo.  
Cải cách doanh nghiệp nhà nước
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, sẽ bắt đầu vào tháng này, với một số thành tựu trong cải cách kinh tế.
Sự phát triển của Trung Quốc mang nhiều dấu ấn chính sách của ông Tập Cận Bình. 
“Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tập trung vào quản lý vi mô sau đại hội 19”, Scott Kennedy, Giám đốc dự án kinh doanh và kinh tế chính trị, thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, Mỹ bình luận. 
Ông Tập Cận Bình được cho là người có tư duy rộng mở và có nền tảng chính trị, kinh tế vững vàng. Cha ông Tập, cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, là người dẫn đầu mở cửa kinh tế tại tỉnh Quảng Đông từ năm 1978 đến 1981, giai đoạn đầu trong cuộc cải tổ kinh tế ở Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Kennedy dự đoán, trong nhiệm kỳ mới của ông Tập, nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả sẽ bị loại bỏ thẳng tay, hoặc buộc phải sáp nhập với đơn vị khác.
Ông Lý Tấn, thuộc Học viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc, cùng chung nhận định Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập.
“Nhiệm kỳ thứ nhất của ông Tập được đánh dấu bởi cải cách quân đội, chống tham nhũng trên toàn quốc và sáng kiến kinh tế Vành đai, Con đường. Nhiệm kỳ hai sẽ mang dấu ấn cải cách doanh nghiệp nhà nước để tái cơ cấu nền kinh tế vững mạnh hơn”, ông Lý nói.
Đại hội 19 khả năng sẽ sửa đổi điều lệ đảng để đưa tư tưởng của ông Tập trở thành ý thức hệ dẫn đường. Điều lệ hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc quy định, tuân thủ Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Thuyết Ba đại diện do cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân khởi xướng (đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc) và Tầm nhìn khoa học về phát triển như là kim chỉ nam cho mọi hành động.