Ngày 24/10, Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ 19 (Đại hội 19) của Trung Quốc đã bế mạc và bầu ra Ủy ban T.Ư Đảng, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật T.Ư nhiệm kỳ mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì phiên bế mạc Đại hội tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, với sự tham gia của 2.336 đại biểu.
Sau khi bỏ phiếu, Tổng Bí thư Tập Cận Bình tuyên bố, Đại hội 19 đã bầu ra Ban Chấp hành T.Ư khóa 19 và Ủy ban Giám sát Kỷ luật T.Ư. Ban Chấp hành T.Ư bao gồm một số nhân vật nổi trội như ông Tập Cận Bình, ông Vương Hỗ Ninh, ông Lưu Kỳ Bảo, ông Hứa Kỳ Lượng, bà Tôn Xuân Lan, ông Lý Khắc Cường, ông Uông Dương, ông Trương Xuân Hiền, ông Triệu Lạc Tế, ông Hồ Xuân Hoa, ông Lật Chiến Thư và ông Hàn Chính. Sáng mai (25/10), Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa 19 sẽ chọn ra Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong phiên họp toàn thể đầu tiên vào 11 giờ 45 phút.
Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ quốc tế, Bộ Ngoại giao nhận định, Đại hội 19 của Trung Quốc có thể tóm gọn trong 8 chữ: “kiên trì chiến lược, phát triển ổn định”, tiếp tục đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản trên mọi mặt và tiến hành cải cách kinh tế.
Theo ông Thái, các cải cách kinh tế trong thời gian tới của Trung Quốc sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực: Cải cách doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân hàng, sở hữu trí tuệ và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, yếu tố thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ đổi mới, tiếp tục hạ thấp hơn nữa các rào cản đối với doanh nghiệp nước ngoài, tăng cường mở cửa lĩnh vực dịch vụ.
Về đối ngoại, Đại hội 19 đánh dấu sự thay đổi chính sách “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đưa ra. Tuyên bố đưa Trung Quốc trở thành siêu cường hàng đầu thế giới của ông Tập Cận Bình trong bài phát biểu khai mạc đã khẳng định việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ vươn mình mạnh mẽ ra bên ngoài, đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Trong khi đó, Rober Lawrence Kuhn - chuyên gia người Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc lưu ý đến công tác quản trị chặt chẽ và nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua việc cải tổ và làm trong sạch bộ máy, khi chiến dịch chống tham nhũng không những tiếp tục được thực hiện mà còn được tăng cường và đẩy mạnh hơn. Về vấn đề kinh tế, ông Rober Lawrence Kuhn nhận thấy, vai trò ngày càng lớn của sáng tạo và đổi mới, đặc biệt trong lĩnh vực KH&CN. Đồng thời, ông cũng đánh giá nội dung liên quan đến việc cải cách và hiện đại hóa quân đội là rất cụ thể và rõ ràng.Ngoài ra, điểm đặc biệt trong Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc là việc các đại biểu bỏ phiếu nhất trí đưa "Tư tưởng Tập Cận Bình về xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới" vào Điều lệ đảng, đặt vị thế của ông Tập sánh ngang với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Chủ tịch Mao Trạch Đông - người lập nên nước CHND Trung Hoa năm 1949 và nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình - kiến trúc sư của công cuộc cải cách mở cửa, là 2 nhà lãnh đạo từng được nêu tên cùng hệ tư tưởng vào Điều lệ Đảng. Nếu như dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông là thời kỳ lập quốc, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình mở ra thời kỳ đứng dậy, đưa ra các cải cách kinh tế quan trọng, thì ông Tập Cận Bình đang hoạch định “kỷ nguyên mới” cho Trung Quốc. Đó là kỷ nguyên hùng mạnh, ông Trần Việt Thái bình luận.
Trung Quốc đề ra mục tiêu trở thành xã hội thịnh vượng hài hòa trước năm 2020, về cơ bản trở thành quốc gia hiện đại hóa vào năm 2035, phần lớn người dân xếp vào nhóm thu nhập trung bình với khoảng cách giàu - nghèo được thu hẹp. Đến năm 2050, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh và thịnh vượng. |