Tiết kiệm nhưng thiết thực
Đại hội Thể thao toàn quốc là sự kiện thể thao có quy mô lớn nhất ở nước ta, được tổ chức 4 năm một lần. Đại hội năm nay diễn ra từ ngày 15/11 - 10/12 tại Hà Nội, Hòa Bình (tổ chức xe đạp địa hình) và Khánh Hòa (bóng chuyền bãi biển). Với hệ thống cơ sở vật chất tốt như SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, Khu Liên hiệp Thể thao dưới nước, Cung Thể thao trong nhà, Cung Thể thao Quần Ngựa cùng nhiều công trình thể thao phức hợp của các quận, huyện và đặc biệt là Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao… là cơ sở để TP Hà Nội đứng ra đăng cai tổ chức. Nhà nước đầu tư 50 tỷ đồng để chuẩn bị, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho các VĐV thi đấu. Ngoài ra, Hà Nội được cấp 17 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp sân bãi.
|
Cặp VĐV Ngọc Lan - Vân Anh (Bắc Giang) tranh tài tại Đại hội. Ảnh: Vĩnh Quang |
Trước những lùm xùm xảy ra ở các kỳ Đại hội trước, khi đồng ý tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã lưu ý, cần tiếp tục đổi mới công tác tổ chức, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
Tổ chức bắn pháo hoa tại Lễ khai mạc Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 215 về việc tổ chức bắn pháo hoa tại Lễ khai mạc Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, tại Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, Hà Nội sẽ tổ chức 1 điểm bắn pháo hoa tầm thấp tại Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) với tổng số 60 giàn, thời lượng 5 phút, vào Chủ nhật (ngày 25/11/2018). Chương trình bắn pháo hoa chia làm 2 lần: Lần 1 thực hiện sau bài phát biểu khai mạc Đại hội, kéo dài 2 phút (từ 21h13 - 21h15); lần 2 thực hiện sau Lễ khai mạc, kéo dài 3 phút (từ 21h42 - 21h45).TP giao Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng của TP và quận Nam Từ Liêm thực hiện nhiệm vụ bắn pháo hoa; xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch vận chuyển và tổ chức bắn pháo hoa theo kế hoạch. (Trần Hà) |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục sẽ phối hợp với TP Hà Nội chuẩn bị phương án tốt nhất để tổ chức Đại hội thành công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, Đại hội lần này sẽ nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho mục tiêu SEA Games diễn ra vào năm 2021, ASIAD 19 và Olympic.
Giải quyết các vấn nạnNhững kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc trước, vấn đề luôn gây ra nhiều tranh cãi bao năm qua là chuyện tranh chấp VĐV và chuyện VĐV đăng ký có đúng quy định hay không. Để giải quyết những vấn nạn này, ông Trần Đức Phấn cho biết, ngành Thể dục thể thao luôn cố gắng bảo đảm điều kiện tốt nhất về chuyên môn, kỹ thuật để hạn chế sai sót. “Ở Đại hội này, với tư cách Trưởng Tiểu ban chuyên môn - kỹ thuật, tôi đã chỉ đạo các bộ môn tăng cường giám sát, bảo đảm sự chính xác, công bằng trong việc tính kết quả thi đấu. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tuyển chọn, tổ chức tập huấn cho đội ngũ trọng tài điều hành một cách kỹ lưỡng. Tinh thần là quyết tâm tổ chức một kỳ Đại hội “sạch” nhất từ trước đến nay” - ông Trần Đức Phấn khẳng định.
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII sẽ có 36 bộ môn thể thao, 743 nội dung thi đấu, tiêu biểu như: Điền kinh, bóng đá, bắn súng, bắn cung... Tham gia tranh tài tại Đại hội có có hơn 7.000 VĐV, 2.500 HLV, 2.200 trọng tài. Đoàn thể thao Hà Nội dự Đại hội với 1.094 thành viên, trong đó có 38 lãnh đội, 4 bác sĩ, phiên dịch, 207 HLV, chuyên gia, 845 VĐV tham gia ở 36 môn, 611/743 nội dung thi đấu. Mục tiêu của đoàn là vị trí Nhất toàn đoàn.