Thống nhất về tuyên truyền, triển khai nhiều công trình ý nghĩa
Ông Nguyễn Sỹ Trường cho hay, sẽ diễn ra từ ngày 21-23/8/2924, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII đã được chuẩn bị thực hiện công tác tuyên truyền một cách kỹ lưỡng từ rất sớm, tạo thống nhất từ cấp TP đến cơ sở.
Trong đó, việc thiết kế nhận diện, logo Đại hội (mầu sắc, kiểu chữ...) đã được thực hiện từ cuối năm 2023. Hệ thống toàn bộ tài liệu tuyên truyền (banner, băng-rôn, pa-nô, áp-phích, bài phát thanh, trailer tuyên truyền…) được MTTQ TP chuẩn bị kỹ, duyệt và xin ý kiến Ban Tuyên giáo Thành ủy, từ đó biên tập số hóa toàn bộ thành mã QR, nên rất thuận tiện cho cơ sở trong công tác tuyên truyền, đến tận các khu dân cư đều có đầy đủ các bài phát thanh, hình ảnh tuyên truyền... Hiện 100% khu dân cư trên địa bàn TP đang tập trung tuyên truyền với các bài phát thanh, hình ảnh được đồng bộ thống nhất về nội dung, hình thức.
Trong điều kiện ngân sách có mức độ nhất định, Ban Thường trực MTTQ TP đã thực hiện xã hội hóa công tác tuyên truyền về Đại hội, thông qua làm việc với một số đơn vị để hỗ trợ, tạo không khí phấn khởi trên địa bàn TP.
Đáng chú ý, ngay từ đầu năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã phát động đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII. Theo đó, từ ban Công tác Mặt trận các khu dân cư tới MTTQ cấp TP đều có những công trình, phần việc chào mừng Đại hội, là những công trình phục vụ đời sống dân sinh, an sinh xã hội, như: xây, sửa nhà đại đoàn kết; khánh thành trường học; hoàn thiện các con đường; trồng cây xanh... Tổng cộng có trên 1.300 công trình như vậy ở cấp cơ sở.
Ở cấp TP, MTTQ TP đã phối hợp UBND TP xây dựng công trình xóa nhà dột nát trên địa bàn TP, trong đó những hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở đều được hỗ trợ 100%. Tổng số 725 ngôi nhà đã được xây, sửa, với trị giá trên 61 tỷ đồng, trong đó 50% từ nguồn ngân sách TP và 50% từ xã hội hóa. Đây là công trình rất có ý nghĩa, chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP lần thứ XVIII cũng như kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Cùng đó, MTTQ TP đã tổ chức chương trình Hành trình xanh "Sắc sen Tây Hồ" với 7.000 cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân tham gia tại quận Tây Hồ. Đồng thời, tổ chức tuyên dương 135 cán bộ MTTQ tiêu biểu các cấp TP - là những tấm gương rất tiêu biểu trong suốt nhiệm kỳ Đại hội; xây dựng các tài liệu để tuyên truyền về Đại hội.
Chú trọng số hóa tài liệu, đáp ứng xu thế công nghệ 4.0
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, về công tác xây dựng các văn kiện, nét mới tại Đại hội này là việc xây dựng văn kiện được MTTQ TP thực hiện từ rất sớm, lấy ý kiến các bên qua 5 hội nghị (chưa kể các hội nghị thảo luận tại 579 Đại hội cấp xã và 30 Đại hội cấp huyện); tổ chức 5 diễn đàn xin ý kiến cán bộ MTTQ các thời kỳ, lãnh đạo và cán bộ sở ngành, chuyên gia, nhà khoa học... Các ý kiến đều cho rằng văn kiện Đại hội được xây dựng rất công phu, đánh giá kỹ kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra được những chương trình, nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới.
Đặc biệt, MTTQ TP đã đúc rút 10 dấu ấn của MTTQ Việt Nam các cấp TP Hà Nội trong nhiệm kỳ 2019-2024, với rất nhiều việc mới, việc khó, việc chưa từng có trong tiền lệ đều đã diễn ra. Qua những khó khăn như vậy càng thể hiện vị trí vai trò của MTTQ trong tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của TP, góp phần vào phát triển Thủ đô.
Với nhiệm kỳ này, ngay từ mục tiêu tổng quát của công tác MTTQ TP đã tập trung vào vấn đề rất mới, đó là chủ đề Đại hội "Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến trong Nhân dân, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, hạnh phúc". Chủ đề này là sự tiếp thu tinh thần của 2 nghị quyết lớn (Nghị quyết 43 về phát huy sức mạnh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và Nghị quyết 15 về xây dựng, phát triển Thủ đô), để đưa vào mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ, chính là tinh thần rất mới của Đại hội.
Đồng thời, MTTQ TP đề ra 10 chỉ tiêu, 3 khâu đột phá và 6 chương trình công tác, trong đó nhiệm kỳ này có thêm chương trình công tác thứ sáu là "xây dựng khu dân cư an toàn, hạnh phúc".
Đặc biệt, để nội dung Đại hội không bị khô cứng, MTTQ TP rất quan tâm khâu thiết kế chương trình. Ngoài những hoạt động mang tính truyền thống, để tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu, tích cực hơn vào 6 chương trình công tác của MTTQ TP nhiệm kỳ tới, Ban Tổ chức chia 363 đại biểu chính thức về tham dự 5 diễn đàn, với nội dung mỗi diễn đàn đều rất thiết thực với công tác MTTQ. 5 diễn đàn do Chủ tịch và 4 Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chủ trì, được tổ chức tại 5 quận.
Bên cạnh đó, Đại hội có những hoạt động bên lề rất ý nghĩa: Triển lãm trưng bày 200 bức ảnh phản ánh các mặt công tác của MTTQ TP nhiệm kỳ 2019-2024; Không gian "Đoàn kết - Sáng tạo" có 40 gian hàng của các quận, huyện, thị xã và tổ chức thành viên, trưng bày những nét đặc sắc truyền thống của đơn vị và một số sản phẩm OCOP tiêu biểu; Triển lãm cây cảnh nghệ thuật; ra mắt app của MTTQ TP- qua đó mọi thông tin tài liệu được gửi tới 100% đại biểu dự Đại hội và đại biểu có thể tương tác với Ban tổ chức...
"Trong xu thế công nghệ 4.0, MTTQ cần đáp ứng được yêu cầu chung của TP là ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong các hoạt động, và MTTQ TP sẽ là đơn vị tiên phong thực hiện. Vì vậy, tại Đại hội này, chúng tôi chủ trương hạn chế tối đa sử dụng tài liệu giấy, mà thực hiện số hóa toàn bộ tài liệu cho đại biểu sử dụng. Mỗi đại biểu được trang bị 1 máy tính bảng để sử dụng trong Đại hội và công tác Mặt trận sau này, do 1 đơn vị hỗ trợ toàn bộ"- ông Nguyễn Sỹ Trường khẳng định.
Liên quan công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cho hay, nhiệm kỳ này có nhiều điểm mới: số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP được tăng lên là 145 Ủy viên và cơ cấu được mở rộng thành phần liên quan các cá nhân tiêu biểu, nhà khoa học, nhân sĩ trí thức, người có uy tín để tham gia vào Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Chẳng hạn, xuất hiện một số gương mặt mới như NSND Xuân Bắc, NSND Trung Hiếu… để khi MTTQ TP tổ chức các hoạt động lĩnh vực văn hóa-xã hội thì sẽ có những chuyên gia, người có kinh nghiệm tham gia giám sát phản biện liên quan lĩnh vực này.
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Trường, công tác tổ chức Đại hội chủ trương tạo điều kiện tối đa cho phóng viên báo chí tác nghiệp, tham gia vào mọi hoạt động của Đại hội. Diễn ra trong không gian phạm vi rất hẹp, nên để tinh thần Đại hội lan tỏa rộng rãi tới các tầng lớp Nhân dân thì phải thông qua thông tin tuyên truyền của báo chí. Vì vậy, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã chỉ đạo cung cấp thẻ cho phóng viên tham dự, bố trí riêng khu vực có trang bị máy tính cho phóng viên viết tin bài cũng như khu vực trong hội trường thuận lợi nhất cho phóng viên chụp ảnh, ghi hình…
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029, có 5 diễn đàn được tổ chức tại 5 quận:
Diễn đàn 5: “Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận "gương mẫu, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo; gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với Nhân dân” góp phần củng cố niềm tin và mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Chính quyền", tại quận Hai Bà Trưng, do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương chủ trì, 73 đại biểu tham dự.
Diễn đàn 4: “Phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường giám sát phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh”, tại quận Tây Hồ, do Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Sỹ Trường chủ trì, 72 đại biểu tham dự.
Diễn đàn 2: “Phát huy vai trò của tổ chức thành viên, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, dân tộc thiểu số trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, tại quận Hoàn Kiếm, do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thị Kim Dung chủ trì, 73 đại biểu tham dự.
Diễn đàn 1: “Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; nắm bắt, định hướng tình hình dư luận Nhân dân, tạo sự đồng thuận, khơi dậy khát vọng và trách nhiệm phát triển Thủ đô”, tại quận Bắc Từ Liêm, do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Anh Tuấn chủ trì, 72 đại biểu tham dự.
Diễn đàn 3: “Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khu dân cư đoàn kết, đồng thuận, góp phần xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, tại quận Ba Đình, do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đặng Thị Phương Hoa chủ trì, 73 đại biểu tham dự.