Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc: Truân chuyên công tác dự báo

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường, mỗi khi dự báo thời tiết sai, không ít người trong chúng ta lại buông lời chê trách, thậm chí khiếm nhã dành cho ngành Khí tượng thuỷ văn (KTTV). Điều này âu cũng là lẽ thường, bởi lẽ, chúng ta đã phải lao tâm cả sức lực và vật chất để chuẩn bị đối phó với thiên tai, dựa trên bản tin. Thế nhưng, những gì mà chúng tôi biết được, khi đến Đài KTTV khu vực Tây Bắc, lại khá nghẹn ngào.

Trụ sở chính của Đài KTTV khu vực Tây Bắc - nơi được xem là thiên đường của CBVC trong ngành ở khu vực.

Đài KTTV khu vực Tây Bắc đóng trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Các đơn vị khối trạm nằm rải rác trên địa bàn 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, điều kiện về cơ sở vật chất, đời sống, chế độ đãi ngộ, giao thông, thông tin liên lạc còn rất nhiều khó khăn.
Ví như trạm thủy văn Nậm Giàng hơn 60 năm qua không có điện, mãi đến ngày 12/11/2018 mới được dùng điện lưới quốc gia. Cán bộ KTTV ở đây phải sống trong cảnh thiếu thốn đủ bề. Trong khi đó, địa hình phức tạp nên giao thông đi lại rất vất vả, như từ trạm thủy văn Mường Tè, Pắc Ma về Đài khu vực phải mất 2 ngày đi đường, trước đây mùa mưa lũ phải đi bộ mất cả tuần mới ra đến Đài.
Có nhiều nam cán bộ KTTV phải lấy vợ hơn mình cả chục tuổi, vì với họ lấy được vợ, có vợ là tốt rồi. Con cái họ không được ở cùng bố mẹ, phải gửi ông bà nuôi giúp, ở rất xa, để được đi học, vì ở khu vực trạm không có trường.
Theo giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Bắc Vũ Thành Long, đời sống cán bộ viên chức (CBVC) mặc dù đã được quan tâm cải thiện hơn trước nhưng vẫn rất khó khăn, nhất là các vùng xa, vùng sâu, vùng cao. Có trạm, CBVC về hưu vẫn chưa có nổi cái nhà để ở phải ở nhờ gia đình, con cháu. Mặt bằng trình độ chuyên môn của CBVC vẫn còn thấp nhưng chưa có chế độ đặc thù để thu hút cán bộ có trình độ.
Các nhà trạm đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường quan tâm xây dựng, được đầu tư, phát triển, hiện đại hóa, tự động hóa nhưng vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của Ngành.
Mạng lưới trạm quan trắc còn rất thưa, có huyện còn chưa có trạm KTTV, vì vậy gặp những khó khăn nhất định trong việc thu thập số liệu phục vụ công tác dự báo, phục vụ phòng chống thiên tai đến các địa bàn cụ thể. Trong khi đó, nhiều trạm xuống cấp cần được sửa chữa kịp thời nhưng kinh phí dành cho việc nâng cấp khá eo hẹp. Theo tính toán như hiện nay, một trạm phải đến 20 năm mới nâng cấp một lần ( quay vòng - PV).
Giám đốc Đài Vũ Thành Long chia sẻ với đoàn công tác.
Được biết, hiện nay, Đài KTTV khu vực Tây Bắc gồm có: 4 phòng chuyên môn, nghiệp vụ; 3 Đài KTTV tỉnh; 37 trạm KT, TV, MT; 1 trạm Thám không Vô tuyến; 1 tiêu KTTV; 1 trạm môi trường sinh thái; 76 trạm đo mưa tự động; 11 điểm đo, truyền tự động thuộc hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét lưu vực Nậm La, Nậm Pàn. Sau 24 năm thành lập, tổng số CBVC của Đài hiện nay là 193 người, trong đó có 2 thạc sĩ, 66 đại học, 44 cao đẳng, 65 trung cấp, 16 sơ cấp và nhân viên kỹ thuật.
Trong những năm gần đây, trên địa bàn khu vực Tây Bắc, các loại hình thiên tai thời tiết (rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất) diễn biến phức tạp, xảy ra bất thường, cường độ, tần xuất ngày càng nhiều hơn gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Mặt khác, hầu hết các trạm thủy văn thuộc Đài, chế độ dòng chảy bị ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa thủy điện nên công tác quan trắc bố trí đo đạc, thu thập số liệu, chỉ đạo chuyên môn không đơn giản. Cụ thể, trạm thủy văn Mường Lay, biên độ mực nước tại mặt cắt đo trong năm dao động trong khoảng 45.0m, độ sâu mặt cắt đo có thời điểm đạt trên 50m.
Vì vậy, CBVC trong toàn Đài luôn phải vượt qua hoàn cảnh, nâng cao chủ động, sẵn sàng trong mọi tình huống, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong việc quan trắc số liệu, dự báo, cảnh báo thiên tai. Dẫu biết rằng, nghề nào cũng có khó khăn, vất vả riêng, thế nhưng với những CBVC KTTV họ có thể “đo nắng, đong mưa” để cảnh báo nhằm đem lại an toàn cho mọi người, song, họ lại không “đong, đo” được cuộc sống truân chuyên của chính mình. Nỗi vất vả và tình yêu nghề của những người làm KTTV bất giác làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Đó chẳng phải sự hy sinh thầm lặng hay sao!.