Thời gian qua, chính sách đãi ngộ với VĐV, nghệ sĩ luôn là câu chuyện được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo lãnh đạo Bộ VHTT&DL, hiện nay, cơ chế, chính sách và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao sau thời kỳ đỉnh cao còn tồn tại bất cập.
Áp lực cao nhưng đại ngộ thấp
Vào mỗi dịp Hè, rạp Xiếc Trung ương trở nên sôi động hơn với nhiều vở diễn hấp dẫn. Các em nhỏ luôn háo hức được bố mẹ đưa đến sân khấu tròn để thưởng thức những pha trình diễn ngoạn mục của các nghệ sĩ. Nhưng để có được những giờ phút đem lại niềm vui cho khán giả, đằng sau ánh đèn sân khấu là sự khổ luyện của các nghệ sĩ, diễn viên.
Nhiều lần đến Rạp Xiếc Trung ương, đi qua sân khấu tròn, phóng viên đều ghi nhận hình ảnh những diễn viên trẻ miệt mài, thay nhau tập luyện các động tác khó, có độ nguy hiểm cao. Trên tay, chân của họ không thiếu những dấu tích của việc khổ luyện, nhiều người bị căng cơ phải nghỉ để phục hồi. Thế nhưng, với các nghệ sĩ trẻ, họ quan niệm chỉ có con đường khổ luyện mới có thể thành tài.
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị vào thời điểm tập luyện, chuẩn bị cho vở diễn “Sống mãi với Điện Biên” tháng 5 vừa qua, anh Nguyễn Mạnh Thường – diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Từ trước đến nay, việc luyện tập xiếc luôn khó. Bởi bản chất của xiếc là làm những cái khác thường, người khác không làm được. Diễn viên xiếc 99% đều từng chấn thương, chỉ có độ nặng nhẹ khác nhau”.
Gian nan, đòi hỏi khổ luyện như vậy nên nghệ sĩ theo nghề xiếc thường là những người trẻ, dưới 20 tuổi, thậm chí trẻ hơn. Tuy vậy, sau nhiều năm rèn luyện, diễn viên vẫn bị “đào thải” sớm, mọi tinh tuý đều được cống hiến trong giai đoạn ngắn của tuổi trẻ sung mãn.
Theo lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thời hoàng kim của nghệ sĩ xiếc chỉ kéo dài tối đa 20 năm trên sân khấu. Đặc biệt là phụ nữ, họ phải kết hôn, sinh con khiến xương bị cứng, không còn giữ được phong độ nên phải giải nghệ sớm. Ở tuổi đó, họ chưa có lương hưu, phải chuyển sang làm nhiều công việc khác không phải sở trường, rất vất vả.
Về chế độ bồi dưỡng, từ năm 2015 đến nay, sau 6 lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng vẫn thực hiện theo Quyết định số 14/2015/QĐ-TTg (về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn), theo đó, mức thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi và cao nhất là 200.000 đồng/buổi.
Mức này, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng là không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống, vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Chính sách tiền lương dù đã cải cách vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh cho người hưởng lương phát huy tài năng và cống hiến, không kích thích được nghệ sĩ gắn bó với Nhà nước, không thu hút được nhân tài. Vì vậy, ngành nghệ thuật biểu diễn rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các chính sách đãi ngộ đặc thù của Nhà nước”.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, với những nghệ sĩ đã không còn khả năng biểu diễn và có nguyện vọng nghỉ hưu sớm, vấn đề lớn nhất đặt ra là tìm giải pháp để họ tiếp tục cống hiến, thay đổi vai trò, vị trí trong nền nghệ thuật biểu diễn.
Lương thấp khó thu hút vận động viên
Không chỉ riêng các nghệ sĩ, diễn viên, nhiều vận động viên cũng phải làm những công việc để có thể trang trải cuộc sống. Đơn cử, trong thời đại công nghệ phát triển, hình ảnh vận động viên bán hàng online để có thêm thu nhập không còn xa lạ.
Thực tế trên một phần bắt nguồn từ việc tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia còn thấp. Theo Bộ VHTT&DL, điều này dẫn tới khó khăn trong thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài trong lĩnh vực thể thao.
Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, đầu tư cho công tác đào tạo tài năng thể thao còn thấp so với nhu cầu; chưa bảo đảm nguồn lực đúng mức theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng vận động viên kế cận trong các đội tuyển quốc gia.
Đặc biệt, chế độ tiền lương đối với vận động viên các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia theo Nghị định số 152/2018/NĐ-CP quy định về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu còn thấp. Cụ thể, vận động viên đội tuyển quốc gia được hưởng 270.000 đồng/người/ngày x 26 ngày công = 7.020.000 đồng/tháng.
Quan tâm đến phiên chất vấn, trả lời chất vấn về lĩnh vực VHTT&DL, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ: "Tôi kỳ vọng ở phiên chất vấn lần này, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ tiếp tục thể hiện tốt trách nhiệm, trả lời thấu đáo, đúng và trúng vấn đề. Trong đó làm sáng tỏ các vấn đề cử tri đang hết sức quan tâm và quan trọng là đưa ra được những giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ hiệu quả vướng mắc đang gặp phải. Từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả đột phá trong thực tiễn để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đến hết năm 2024 cũng như cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2026".