Cho đến nay, Mỹ là quốc gia viện trợ vaccine Covid-19 hàng đầu cho Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ về quá trình bắt đầu và triển khai ngoại giao vaccine trong thời gian qua?
Lúc đầu, phía Mỹ cho biết ở các làn sóng dịch thứ nhất, thứ hai và thứ ba, Việt Nam là một trong những hình mẫu kiểm soát dịch của thế giới. Chúng ta làm quá tốt nên trong danh sách viện trợ vaccine của Mỹ, Việt Nam lại ở mức độ bình thường.
Tuy nhiên, quan sát kĩ vào thời điểm đó thì chúng tôi nhận thấy biến thể Delta có nguy cơ hoành hành ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi phải đặt ngay vấn đề với phía Mỹ, nếu không trợ giúp kịp thời, điều này xa hơn ảnh hưởng đến cả những cơ sở sản xuất của Mỹ tại Việt Nam, tác động vào chuỗi cung ứng khu vực và Việt Nam. Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX, điều đó cũng khiến Việt Nam trở nên khác biệt. Đặc biệt là quan hệ Việt Nam – Mỹ cũng đang rất tốt đẹp, có sự tin tưởng lẫn nhau. Sau đó Việt Nam được chuyển từ mức độ bình thường sang ưu tiên trong danh sách viện trợ vaccine.
Về các nguồn vaccine, sau một thời gian thẩm tra kiểm nghiệm, đại sứ quán xác định bước đầu của lộ trình ngoại giao vaccine là phải tiếp cận từ nguồn chính quyền. Các bang, hiệp hội hay bệnh viện dù có dư thừa nhưng không được phép viện trợ cho các nước do không thể kiểm soát được chất lượng. Từ đó chúng tôi đã triển khai rất mạnh và cụ thể các biện pháp ngoại giao vaccine.
Việc Việt Nam triển khai sử dụng vaccine rất hiệu quả cũng khiến Mỹ tăng cường hỗ trợ. Gân đây nhất, phía Mỹ cho biết số lượng viện trợ cho Việt Nam sẽ đạt 25 triệu liều, chiếm 1/3 khu vực Đông Nam Á.
Công tác ngoại giao vaccine trong giai đoạn mới sẽ biến chuyển ra sao, đặc biệt là giữa Việt Nam và Mỹ thời gian tới, thưa Đại sứ?
Vaccine hiện có thể là đủ, nhưng trước tình hình xuất hiện những biến thể mới, không thể để mình vào thế bị động. Do đó, theo tôi cần xác định việc tự chủ vaccine là quan trọng hàng đầu hiện nay, thứ hai là thuốc điều trị và thứ ba là một số trang thiết bị vật tư y tế.
Trong những nỗ lực này, có mục tiêu hợp tác với Mỹ để Việt Nam thành một trung tâm sản xuất vaccine và tiếp theo là thuốc điều trị và các trang thiết bị y tế.
Chúng tôi hy vọng sẽ có thành quả cụ thể, sớm nhất là đến đầu năm 2022, hợp tác giữa Vingroup và Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Hoa Kỳ về công nghệ mRNA sẽ có kết quả. Vaccine theo công nghệ mRNA đã cho thấy hiệu quả trên cả những biến thể như Delta, Omicron...
Về trang thiết bị y tế, chúng tôi cũng đã làm việc với chính quyền, doanh nghiệp Mỹ để kéo chuỗi cung ứng vào Việt Nam. Thời gian qua dù có đứt gãy do tác động của dịch bệnh, tuy nhiên trong thời gian tới với chính sách mở cửa dần dần thích ứng linh hoạt và khôi phục kinh tế, tôi hy vọng các DN Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác.
Bên cạnh đó, công nghệ mRNA không chỉ dành cho Covid-19 mà thậm chí chuyển sang sản xuất vaccine cho các căn bệnh khác, từ đây mở ra những hướng hợp tác mới giữa Mỹ và Việt Nam.
Đại sứ có thể chia sẻ thêm về tinh thần đoàn kết chống dịch cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ?
Có lẽ đại dịch làm cho tinh thần yêu nước, gắn kết lan tỏa hơn bao giờ hết. Nhiều Việt kiều tại Mỹ thời gian qua đã phát động những phong trào từ bờ Đông , sang bờ Tây; từ các gia đình đến các hiệp hội, cá nhân để huy động các nguồn lực chống dịch. Đó là thời điểm nghĩa đồng bào lan tỏa nhất, từ góp phần trang thiết bị y tế, khẩu trang, thậm chí cả vaccine.
Có những bác sĩ lặn lội từ bang này sang bang khác và cũng đã đàm phán được hàng chục triệu liều vaccine, dù nỗ lực này chưa thành do chính phủ T.Ư không cho phép. Nhưng qua đó chứng minh trong cái cái khó lại sáng rõ phẩm chất của người Việt mình: đó là gắn bó và đoàn kết, hướng về quê hương đất nước một cách mạnh mẽ.
Trong quá trình làm việc lâu dài của tôi với phía Mỹ, có lẽ đây là thời điểm tôi được chứng kiến tình quê hương đồng bào tỏa sáng nhất.
Xin cảm ơn Đại sứ!