Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đại sứ Phạm Sanh Châu: UNESCO cần phải thúc đẩy hòa bình

NGUYỄN PHƯƠNG (THEO UNESCO)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Trong phần trả lời tại buổi "thi" làm Tổng Giám đốc UNESCO tại Pháp, Đại sứ Phạm Sanh Châu nêu ra 3 tầm nhìn chính trong đề cương phát triển UNESCO của ông, đó là thúc đẩy hòa bình, nhu cầu phải cải cách, và phải thay đổi cách tiếp cận, cách truyền thông.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, ứng cử viên duy nhất của khu vực Đông Nam Á cho chức vụ Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), đã hoàn thành phần thi của mình trong màn tranh cử vào vị trí này trong phiên họp toàn thể công khai của tổ chức này vào ngày 27/4.
Phần trả lời phỏng vấn được tổ chức tại Tổng hành dinh của UNESCO ở Paris.
Tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO lần này có 9 ứng cử viên trên toàn thế giới. Quá trình phỏng vấn lần lượt từng ứng viên diễn ra trong 2 ngày 26, 27/4, trong đó ông Phạm Sanh Châu là người thứ 6 bước vào cuộc thi.
Phần thi của Đại sứ Châu kéo dài trong một tiếng rưỡi từ 9h15-11h15 (giờ Paris, tức từ 14h45-16h15 giờ Hà Nội).
 Đại sứ Phạm Sanh Châu "thi" làm Tổng Giám đốc UNESCO.
Phần thi của Phạm Sanh Châu bắt đầu bằng phần giới thiệu của Đại sứ trong 10 phút, trong đó Đại sứ nhấn mạnh đến 3 thông điệp căn bản, đó là Hòa bình, Thay đổi, và việc Thực thi tốt hơn, thông tin tốt hơn, truyền thông tốt hơn cho UNESCO.
Sau đó 6 vị đến từ 6 nước thành viên UNESCO được chỉ định trước đại diện cho 6 khu vực trên thế giới, lần lượt đặt ra câu hỏi cho Đại sứ Châu. Các nước đó là Serbia (Đông Âu), Cộng hòa Dominica (châu Mỹ Latinh), Malaysia (châu Á Thái Bình Dương), Nam Phi (châu Phi), Morocco (Trung Đông), và Anh (Tây Âu).
Kế đó đại diện các nước thành viên UNESCO bỏ phiếu ghi tên nước mình vào trong bình để Chủ tịch Phiên họp bốc thăm lần lượt và mời họ đưa ra câu hỏi chất vất ứng viên. Những người may mắn được mời đặt câu hỏi là đại diện của 9 nước: Slovenia, Đức, Iran, Cộng hòa Dominica, Togo, Paraguay, Sri Lanka, El Salvador, và Nepal.
Câu hỏi có nội dung đa dạng từ quản trị nội bộ của UNESCO, vấn đề tài chính của tổ chức này, đến vấn đề bình đẳng giới, vấn đề châu Phi, về chủ nghĩa khủng bố và hiện tượng các lực lượng cực đoan sử dụng internet để tuyên truyền.

 Quang cảnh buổi phỏng vấn.
Đại sứ Châu đã trả lời rành rọt các câu hỏi trong khung thời gian đề ra cho mỗi ứng viên. Các câu hỏi được đưa ra lúc bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Pháp, và Đại sứ đã trình bày câu trả lời trôi chảy tương ứng bằng cả hai ngôn ngữ này.

Sau phần hỏi đáp, Đại sứ Châu kết luận phần trình bày của mình bằng việc đề cập trải nghiệm phong phú của bản thân ở Việt Nam, một đất nước có nhiều năm chiến tranh, và nhiều nước khác trên thế giới, mà từ đó Đại sứ đánh giá rất cao và thực sự quan tâm đến tổ chức UNESCO.
Đại sứ cũng nêu bật những phẩm chất cần có ở một tân Tổng Giám đốc, đó là nhà lãnh đạo có tầm nhìn, nhà quản lý tốt, và nhà đàm phán, nhà ngoại giao khéo léo, cũng như nhà truyền thông giỏi.
Nếu trở thành Tổng Giám đốc mới, với sự hỗ trợ của mọi người, Đại sứ Phạm Sanh Châu cam kết sẽ đưa UNESCO trở thành một ngôi nhà mạnh hơn, đoàn kết hơn, xứng đáng hơn và hạnh phúc hơn.