Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio. Ảnh: ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam |
Năm 2018 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đại sứ có thể chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong quan hệ hai bên thời gian qua. Theo Đại sứ, con người Việt Nam và Nhật Bản có điểm tương đồng nào, góp phần tạo nên đặc trưng của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời này?
Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam ghi dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với trên 200 sự kiện đã và đang được tổ chức ở cả hai nước. Trên nền tảng “quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng”, quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đã và đang được phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên cơ sở nhận thức cơ bản rằng sự phát triển bền vững của Việt Nam là điều quan trọng đối với sự ổn định và thịnh vượng của Nhật Bản và toàn khu vực.
Hai nước Nhật Bản và Việt Nam có sự tương đồng về văn hóa. Tình cảm thân thiết mà Việt Nam dành cho Nhật Bản, cũng như sự tin cậy đối với người Nhật Bản là điều hiếm có trên thế giới. Người Nhật Bản cũng có tình cảm gần gũi thân thiết với Việt Nam. Một trong những yếu tố góp phần vun đắp nên tình cảm này là sự chia sẻ những nét tương đồng trong nền Phật giáo Đại thừa và văn hóa ẩm thực. Ngoài ra, còn phải kể đến những người Nhật Bản với tình cảm yêu mến Việt Nam, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt nhiều năm qua như ông Sugi Ryotaro (hỗ trợ làng trẻ mồ côi, trường kiếm thị), ông Hattori Tadashi (chữa bệnh đục thủy tinh thể), ông Natsume Nagato (phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch), ông Honna Tetsuji (chỉ huy dàn nhạc giao hưởng)...
Nhận nhiệm kỳ từ năm 2016, cho đến nay đã gần 2 năm Đại sứ làm việc và sinh sống tại Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội. Ông có ấn tượng gì về thành phố này với vai trò một đô thị, cũng như một môi trường đầu tư trong khu vực?
Sau khi nhậm chức tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2016, tôi cảm thấy vô cùng may mắn khi được công tác tại Việt Nam, một trong những quốc gia trên thế giới có quan hệ thân thiết với Nhật Bản và đang trong giai đoạn tràn đầy năng lượng phát triển. Tôi đã chia sẻ cảm xúc này với nhiều người Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam. Đến nay, tôi đã tới thăm nhiều tỉnh thành ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam của Việt Nam. Tại những nơi đi qua, tôi thực sự cảm nhận được năng lượng phát triển của Việt Nam, và tôi đặc biệt ấn tượng trước sự sôi động của thành phố cũng như sức sống của con người Hà Nội.
Đầu tư được thể hiện qua số vốn đầu tư và số dự án. Vì vậy, qua con số đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản có thể thấy, mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản đối với Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhật Bản đang chú trọng liên kết với Hà Nội trên cơ sở nhận thức rằng thành phố Hà Nội cũng là “diện mạo” của Việt Nam. Nhật Bản mong muốn đóng góp vào sự phát triển của Hà Nội thông qua việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư quan trọng như phát triển đô thị khu vực phía Bắc Hà Nội, dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại khu công nghệ cao Hòa Lạc...
Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam, và đã có nhiều dự án ODA đã và đang được thực hiện tại Hà Nội. Xin Ngài cho biết định hướng về ODA của Nhật Bản cho Việt Nam trong tương lai?
Nhật Bản đã hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung thông qua các dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân... Tuy nhiên, điều tôi đang lo lắng là, vì vấn đề nợ công, trong thời gian gần đây, một số dự án quy mô lớn chưa được bắt đầu triển khai, và ngay cả những dự án quan trọng đang được thực thi như dự án đường sắt đô thị Hà Nội cũng diễn ra với tiến độ rất chậm. Chính phủ Nhật Bản mong muốn tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam thông qua các lĩnh vực như hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải cách hành chính, phát triển công nghiệp, nâng cao năng suất lao động, năng lượng...
Xin cảm ơn Đại sứ!