Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo an toàn từ xây dựng đến vận hành, sử dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội.

Các dự án Bộ trưởng đi kiểm tra gồm: Đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Cảng hàng không Quốc tế T2 Nội Bài. Tại các công trình đến kiểm tra, Bộ trưởng đều lưu ý các chủ đầu tư, nhà thầu phải đảm bảo an toàn trong cả quá trình xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng.

 
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại dự án Cầu Đông Trù.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tại dự án Cầu Đông Trù.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, các công trình này đều là những công trình hạ tầng trọng yếu, đảm nhận chức năng quan trọng về giao thông của Hà Nội và tạo động lực phát triển mạnh mẽ vùng bắc sông Hồng, góp phần thực hiện quá trình phát triển Thủ đô theo định hướng của Chính phủ. Đặc biệt, đây còn là nhóm công trình có ý nghĩa liên vùng và quốc tế. Tuyến đường 5 kéo dài có trách nhiệm tạo ra giao thông liên vùng, liên khu vực ở vùng duyên hải phía đông miền Bắc cho đến Tây Bắc. Đường Nhật Tân - Nội Bài cũng chính là trục xuyên tâm giảm ách tắc cho Hà Nội, kết nối với quốc lộ 18 và cửa ngõ quốc tế quan trọng, nâng khả năng hậu cần, dịch vụ, vận chuyển hành khách của nhà ga Quốc tế Nội Bài với mục tiêu đạt hơn 20 triệu khách vào năm 2020. Cầu Nhật Tân và Nhà ga T2 sẽ đi vào hoạt động trong đầu năm 2015, kịp thời phục vụ các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng.

Tại dự án xây dựng đường 5 kéo dài, đoàn công tác đã kiểm tra cầu Đông Trù trước ngày thông xe kỹ thuật (9/10). Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra công trình này 16 lần và yêu cầu tiếp tục kiểm định cáp giằng phía thượng lưu, xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan.
Cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay, bắc qua sông Hồng nối hai bờ phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và nút giao với đường Nam Hồng (huyện Đông Anh) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều công việc vừa làm chủ đầu tư, trực tiếp quản lý và cả đối ứng nguồn vốn ODA giải phóng mặt bằng tuyến đường 5 kéo dài và Nam cầu Nhật Tân. Mặc dù những phần việc khó khăn nhất đã hoàn thành, Bộ trưởng lưu ý, khối lượng công việc còn lại ít nhưng vẫn luôn phải kiểm soát tốt mọi vấn đề về an toàn, chất lượng công trình.

 Cùng với Cầu Nhật là hai dự án khác gồm tuyến đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài và Nhà ga T2 - cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đều là những công trình sự dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản sắp được đưa vào sử dụng. Đối với các công trình cầu nói chung, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cần tập trung quan trắc lún, có biện pháp cụ thể để bù lún, thường xuyên kiểm tra trụ cầu, đường dẫn, mặt đường, thoát nước bề mặt và tổ chức giao thông tránh ách tắc, đảm bảo an toàn. Cùng đó, công tác bảo trì, bảo hành cũng phải được đặc biệt chú trọng.

 
Kiểm tra tại công trình Cảng hàng không Quốc tế T2 Nội Bài.
Kiểm tra tại công trình Cảng hàng không Quốc tế T2 Nội Bài.
Điểm đến cuối cùng của đoàn kiểm tra là công trình Cảng hàng không quốc tế T2 Nội Bài (khởi công từ tháng 12/2011) do Tổng Công ty hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 900 triệu USD, tương đương gần 18.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch đến năm 2020, nhà ga T2 sẽ đạt công suất 10-15 triệu hành khách mỗi năm. Hiện dự án đã hoàn thành 97% khối lượng công việc, trong đó đã hoàn thành thi công kết cấu thép, vách kính bao quanh, tô trát, tiếp tục thi công sơn, trần, mái… Nhìn chung, dự án đáp ứng tiến độ đề ra.

Đối với công trình này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng lưu ý, 3% còn lại rất quan trọng, liên quan đến công nghệ, vận hành, quyết định đến việc đưa công trình vào hoạt động. Bởi vậy, cùng với việc thực hiện công tác quan trắc lún và theo dõi biến dạng kết cấu, cần kiểm tra, kiểm định các hệ thống thiết bị cả trước, trong và sau khi lắp đặt; kiểm tra vận hành đơn động và liên động cho toàn hệ thống. Mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo an toàn cho công trình và cả người lao động, an toàn trong vận hành khai thác sử dụng. Chất lượng của công trình này được tổ chuyên gia của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao.  

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã đánh giá cao công tác quản lý chất lượng của nhóm các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng giao thông.