Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo tính an toàn của môi trường kinh doanh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2016 diễn ra sáng 22/4, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cộng đồng DN rất phấn khởi về cuộc gặp với Thủ tướng sẽ diễn ra vào ngày 29/4 tới.

Mục tiêu của hội nghị 2016 nhằm đưa ra thông điệp của Thủ tướng: "DN là một động lực của phát triển kinh tế. Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng", đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, dự kiến Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành một Nghị quyết 19 mới với nhiều nội dung mới, tiếp theo 2 Nghị quyết số 19 năm 2014 và 2015. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. “Dự thảo Nghị quyết sẽ kế thừa tinh thần các nghị quyết trước đây, đồng thời có cách tiếp cận mới, những nội dung mới mang tính đột phá” - ông Hà khẳng định.

Đại diện Văn phòng Chính phủ cho biết, lần đầu tiên hội nghị được tổ chức vừa trực tiếp vừa trực tuyến: Trực tiếp tại TP Hồ Chí Minh với khoảng 500 đại biểu, và trực tuyến tại 62 tỉnh, thành khác với sự tham dự mỗi đầu cầu từ 50 - 100 đại biểu. Ngay sau hội nghị, Thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành để giải quyết các vấn đề DN kiến nghị để ra nghị quyết về phát triển DN. Đồng thời, lãnh đạo 2 TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ ký cam kết với VCCI về việc tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho DN trên địa bàn. Cam kết này mang tính định lượng, và có chỉ tiêu cụ thể.

* Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê ăn uống Xin Chào ở TP Hồ Chí Minh bị khởi tố khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã gây bức xúc trong dư luận, ông Hà cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến vụ việc này.

“Thủ tướng đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ tham mưu giải quyết, khi chúng tôi chưa kịp trình văn bản thì Thủ tướng đã có chỉ đạo ngay... Chỉ đạo của Thủ tướng được dư luận đánh giá cao, đã tháo ngòi nổ cho vụ này” - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bình luận.

Nêu ý kiến cá nhân của mình, ông Hà cho rằng: Nếu vụ này mà ông chủ quán cà phê thua thì sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi DN, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù. Tất nhiên mọi cơ quan chức năng khi tiến hành công việc đều có căn cứ pháp luật của mình nhưng chúng ta phải tìm hiểu gốc của vấn đề, tức là động cơ. Có thể quy định pháp luật như vậy, nhưng động cơ tiến hành là gì? Bộ luật Hình sự mới đã bỏ tội kinh doanh trái phép, Bộ luật này có hiệu lực từ 1/7 tới, mà lại đưa ra khởi tố tội này thì không đúng tinh thần của Luật mới, không đúng tinh thần tạo điều kiện cho người dân mưu sinh. “Do vậy, nên tìm hiểu động cơ để sau này không còn những trường hợp như vậy” - ông Hà chia sẻ.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc Thủ tướng yêu cầu xem xét dừng hình sự hóa chủ quán phở ở TP Hồ Chí Minh đã phát đi những thông điệp hết sức quan trọng về sự an toàn của môi trường kinh doanh, rằng DN và người dân sẽ được bảo vệ.

“Môi trường kinh doanh không chỉ có nhiều trở ngại về thể chế, thủ tục hành chính mà còn kém an toàn. Niềm tin của DN được đảm bảo trước hết là ở môi trường kinh doanh. Tính an toàn của môi trường kinh doanh là hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ, Nhà nước đang khẳng định sẽ bảo vệ DN, bảo vệ tính an toàn của môi trường kinh doanh” - ông Lộc nói.