Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông mùa mưa bão: Tăng cường chốt trực, hạn chế rủi ro

Vân Nhi thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2018, tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu hướng tăng, bên cạnh đó có các nguy cơ thiên tai, sự cố, tai nạn, cháy nổ, sập đổ công trình có thể xảy ra trên địa bàn TP. Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã trao đổi về công tác đảm bảo trật tự ATGT vào những ngày mưa bão nhằm hạn chế tối đa rủi ro cho người dân.

 Lực lượng CSGT tổ chức phân làn giao thông mùa mưa bão. Ảnh: Công Trình
Ông đánh giá thế nào về tình hình trật tự ATGT trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong những ngày mưa bão?
- Thời gian qua, với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan, tai nạn và UTGT tiếp tục giảm sâu trên nhiều tiêu chí. Tuy nhiên, trong những ngày qua, đặc biệt là các ngày mưa bão, tình hình trật tự ATGT diễn biến rất phức tạp. Tại một số khu vực, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước khiến việc di chuyển của các phương tiện gặp nhiều khó khăn.

Thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, vậy, Phòng CSGT đã có biện pháp gì nhằm đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân trong mùa mưa bão, thưa ông?

- Để đảm bảo trật tự ATGT mùa mưa bão, Phòng CSGT đã chủ động phối hợp với các lực lượng công an, quân đội, ban phòng chống lụt bão các quận, huyện, thị xã phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư tại chỗ; Hậu cần tại chỗ.

Cùng với đó, Phòng CSGT đã yêu cầu các đơn vị khi xảy ra bão, lũ, mưa lớn, úng ngập, sạt lở đất và các loại hình thiên tai, thảm họa khác, các đơn vị phải chủ động bố trí lực lượng phân luồng, đảm bảo trật tự giao thông theo nguyên tắc, khẩn trương triển khai, tổ chức lực lượng, nắm chắc tình hình địa bàn phụ trách trước, trong, sau khi xảy ra thiên tai, thảm họa kịp thời xử lý phát sinh.
 Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội 
Người dân đang rất lo lắng về mức độ an toàn của các tuyến đê trước những diễn bến phức tạp của thời tiết và tình trạng phương tiện chở quá khổ, quá tải, Phòng CSGT có biện pháp gì để giải tỏa nỗi lo này?

- Nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong mùa mưa bão, Phòng CSGT đã yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng duy trì trât tự giao thông trên các tuyến xung quanh khu vực, các điểm sơ tán. Giữ gìn trật tự giao thông các khu vực hàn khẩu, trạm bơm, các đoạn đê xung yếu, khu vực sụt lở đường, sập cầu... Tổ chức phân luồng cho các phương tiện chủ động vòng tránh, không đi vào các khu vực đê xung yếu, tuyến đường đang bị ngập, úng, sạt lở...

Tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi phá hoại, vi phạm pháp luật về quản lý đê điều. Phối hợp các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành, đặc biệt là Phòng CSGT đường thủy, Thanh tra GTVT xử lý, tháo gỡ các công trình lấn chiếm hành lang an toàn bảo vệ đê điều, công trình giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ôtô chở quá trọng tải lưu hành trên các tuyến đê, kè, cống gây ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi, công trình ngăn lũ.

Dựa vào kinh nghiệm trong những năm trước, ông có khuyến cáo gì với người tham gia giao thông trong dịp này?

- Để chuẩn bị ứng phó với những diễn biến phức tạp do thời tiết gây ra, đặc biệt là công tác đảm bảo trật tự ATGT, các lực lượng chức năng đã xây dưng các phương án cụ thể cho từng tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự ATGT trong thời gian tới, đặc biệt là những ngày mưa bão, Phòng CSGT đề nghị người dân hạn chế ra đường nếu cần thiết, trong quá trình di chuyển, tuyệt đối tuân thủ sự điều tiết của các lực lượng chức năng để tránh làm phức tạp hơn tình hình trật tự ATGT.

Xin cảm ơn ông!

Vào những ngày mưa bão, tại các điểm, nút giao thông ngập sâu, Phòng CSGT sẽ bố trí xe tải hoặc xe cẩu thường trực để cẩu, kéo ô tô bị sự cố chết máy ra khỏi nơi ngập úng, không để ùn tắc, TNGT xảy ra. Có các biện pháp cảnh báo cho người tham gia giao thông biết và kiên quyết không cho các phương tiện cá nhân (không có nhiệm vụ) đi vào khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai.