Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo việc vay đúng đối tượng, đúng mục đích

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau gần 4 tháng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách hỗ trợ tín dụng cho nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra, đến nay nhiều nông dân và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này.

Loay hoay tìm vốn

Ngày 8/8/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản 1149 về chính sách hỗ trợ chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, giao NHNN Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng, hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay và tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, DN nuôi, chế biến cá tra xuất khẩu.

 Theo NHNN, đến tháng 9, đã có trên 38.200 tỷ đồng được cho vay để phục vụ nuôi trồng, tiêu thụ cá tra với trên 5.900 hộ dân và hơn 280 DN đã được vay.Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến nay, nhiều nông dân và DN vẫn không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi này.
 
Đảm bảo việc vay đúng đối tượng, đúng mục đích - Ảnh 1
 
Nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn thủy sản đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến nông dân nuôi cá tra bỏ ao ngày càng nhiều. "Con số báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là hết sức vô lý. Cần phải kiểm tra xem thực chất số DN cá tra, vì có thể nhiều DN vay nhưng không phục vụ nuôi trồng, chế biến cá tra mà đầu tư vào mục đích khác" - ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch VASEP bày tỏ.

Cũng theo VASEP, việc thiếu vốn và nguồn tài chính không ổn định dẫn tới tình trạng một số DN cá tra bán tháo sản phẩm với giá thấp và chất lượng không đảm bảo. Thậm chí, có DN còn tăng tỷ lệ mạ băng (phần nước đưa vào trong quá trình cấp đông sản phẩm) của cá tra lên 30 - 40% để giảm giá bán.

 Điều này có nguy cơ làm giảm uy tín của cá tra Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, đồng nghĩa với đầu ra sản phẩm này sẽ bị thu hẹp.

Tăng vốn trung và dài hạn

Trước những khó khăn đó, việc nhanh chóng tháo gỡ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho người sản xuất, chế biến cá tra đang là nhu cầu bức thiết.

Nhiều DN đề xuất các ngân hàng nên tiếp tục giãn nợ, mở rộng cho vay trung và dài hạn để DN và người nuôi sử dụng nguồn vốn được hiệu quả. Bởi hiện nay, các ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn nên DN luôn phải loay hoay tìm cách đáo hạn. Bên cạnh đó, điều kiện cho vay ưu đãi phải có thế chấp nhưng thực tế số DN còn tài sản để thế chấp là không nhiều.

Đặc biệt, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, cần hỗ trợ vốn vay có trọng tâm, trọng điểm. Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (Tiền Giang) cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ phải được đổ vào đúng các DN "khoẻ", sử dụng đúng mục đích vào nuôi trồng, chế biến cá tra, không nên hỗ trợ một cách đại trà. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đề nghị, NHNN tiếp tục đẩy mạnh cho vay vốn hỗ trợ người nông dân và DN nuôi và chế biến cá tra.

Đồng thời, cần kiểm tra, giám sát đảm bảo việc cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Ngoài ra, ông Phát cũng chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản sớm xây dựng Thông tư quy định về hàm lượng mạ băng và các chất phụ gia tăng trọng trong cá tra xuất khẩu để đảm bảo chất lượng sản phẩm, chống tình trạng gian lận, bán phá giá, góp phần bình ổn thị trường xuất khẩu cá tra.

 
10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra của nước ta đạt 1,4 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2011. Riêng trong tháng 10, xuất khẩu cá tra đạt 162,8 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU (chiếm gần 25% tỷ trọng xuất khẩu) tiêu thụ giảm 20% so với năm ngoái. VASEP dự báo, tình hình xuất khẩu cá tra trong quý IV/2012 sẽ tiếp tục gặp khó khăn.