Ngày 16/1, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Andrea Thompson cho biết Nga đã từ chối yêu cầu thanh sát hệ thống tên lửa mới của nước này mà Mỹ cho rằng vi phạm Hiệp ước INF đã ký giữa hai nước năm 1987. Động thái này được cho là mở đường cho việc Mỹ sẽ chính thức rút khỏi hiệp ước này từ tháng 2 tới.
Hiệp ước INF ký năm 1987 giữa lãnh đạo Liên Xô và Mỹ, đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn, có nội dung cấm các loại tên lửa mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km (nhằm bảo vệ Châu Âu khỏi tầm bắn của Nga).
Trước đó, trong cuộc gặp hôm 15/1 tại Geneve, Mỹ và đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn Nga tiêu hủy tên lửa hành trình 9M729 có thể mang đầu đạn hạt nhân mà Mỹ cho rằng có thể bắn tới châu Âu trong thời gian ngắn và điều này vi phạm Hiệp ước INF.
Nếu không đạt được đồng thuận với Nga, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Hiệp ước này từ ngày 2/2 tới.
Phía Nga bác bỏ cáo buộc này và cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump lấy lý do thanh sát hệ thống tên lửa mới của Nga làm lý do để rút khỏi Hiệp ước INF. Các đồng minh châu Âu lo ngại quá khứ lặp lại khi Mỹ đưa tên lửa vào khu vực và cuộc chạy đua vũ trang lại diễn ra.
Ngày 16/1, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng nỗ lực để cứu Hiệp ước INF dù có nhiều vấn đề và hy vọng Washington sẽ có cách tiếp cận trách nhiệm đối với các hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Phát biểu sau cuộc họp hôm 16/1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng Nga phải tuân thủ hiệp ước INF, song nói rằng tổ chức quân sự này cũng phải chuẩn bị cho kế hoạch hiệp ước INF bị đổ vỡ và yêu cầu xem xét những hậu quả từ việc này.