Lực lượng an ninh đông đảo sẽ được triển khai trên khắp thủ đô Thái Lan vào hôm 13/1 khi những người biểu tình phản đối chính phủ sẽ thực thi “chiến dịch đóng cửa” nhằm lật đổ chính phủ được bầu lên của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok khuyến cáo cư dân ở đây tích trữ tiền mặt, thực phẩm và nước uống đủ dùng trong 2 tuần. Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha thì cho biết ông quan ngại về khả năng đụng độ bạo lực và thừa nhận một thực tế là ông không thấy có giải pháp nào giúp chấm dứt khủng hoảng của đất nước.
Tướng Prayuth yêu cầu giới truyền thông không hỏi ông về việc quân đội có tiến hành đảo chính hay không. Ông khẳng định “Chúng tôi - những người lính sẽ làm hết sức mình nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân”.
Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại Bangkok (ảnh: Reuters)
|
Hàng chục ngàn người biểu tình lên kế hoạch dựng sân khấu lớn và các khối chướng ngại vật tạm thời tại 7 giao lộ chính và sau đó sẽ “tiến quân” tới các văn phòng chính phủ chủ chốt để cắt nguồn điện nước tại đó. Tuy nhiên họ hứa hẹn không đột kích vào các sân bay và các hoạt động giao thông vận tải.
Lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban trước đó có nói với những người ủng hộ: “Anh em hãy mang theo quần áo và lương thực, bởi vì chúng ta sẽ chiến đấu trong nhiều tháng cho tới khi đạt được thắng lợi”.
Nỗi sợ bạo lực gia tăng vào hôm 11/1 sau khi có 7 người bị thương do trúng đạn của các tay súng đi mô tô nhắm bắn người biểu tình ở Bangkok.
Trong 2 tháng qua đã có ít nhất 8 người thiệt mạng do đụng độ đường phố.
Vào ngày 13/1 tới, phe áo đỏ thân chính phủ cũng có kế hoạch tổ chức “phản biểu tình” ở các tỉnh lỵ.
Diễn biến căng thẳng gần đây ở Thái Lan là phần mới nhất trong 8 năm xung đột giữa tầng lớp trung lưu thành thị Thái Lan với dân nghèo vùng nông thôn nước này.
Ông Suthep, vốn là cựu Thủ tướng trong chính phủ trước đó, đã khước từ đàm phán với các đại diện chính phủ. Ông ta nhất quyết đòi bà Yingluck phải từ chức và yêu cầu lập “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để đảm đương việc cải cách.
Ông này muốn có một “cuộc cách mạng nhân dân” hòa bình, tuy nhiên ông nói là mình sẽ rút lui nếu bùng phát bạo lực nghiêm trọng.
“Nếu tình hình chuyển thành nội chiến, tôi sẽ từ bỏ. Tính mạng người dân là điều quý giá đối với tôi,” ông Suthep chia sẻ.
Tuy bị cáo buộc phản quốc và đã có lệnh bắt nhân vật này, ông ta vẫn tin tưởng “chúng tôi sẽ không thua, tôi chỉ không biết là chúng tôi sẽ chiến thắng theo cách nào”.