Sự cố 115
Nhiều ngày qua, vụ việc người dân gọi vào đầu số 115 báo cấp cứu 1 nạn nhân nguy kịch trong vụ tai nạn giao thông xảy ra chiều 17/4 ở Quảng Ngãi nhưng không ai nghe máy đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Hậu quả vụ tai nạn khiến thanh niên 18 tuổi tên Đặng Anh V. (quê tỉnh Nghệ An) tử vong trên đường đi cấp cứu.
Phía Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi thừa nhận có vụ việc xảy ra và đã có báo cáo làm rõ vấn đề này.
Theo đó, đội cấp cứu 115 của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi gồm 13 thành viên (6 bác sĩ, 7 điều dưỡng), chia làm 2 ca trực. Số máy 115 được đặt tại buồng hồi sức cấp cứu, khoa Khám bệnh và cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.
Tua trực cấp cứu đêm 17/4 gồm 9 thành viên (2 bác sĩ, 6 điều dưỡng và 1 hộ lý). Trong khoảng thời gian từ 18 giờ 45 đến 19 giờ 50 ngày 17/4 (thời điểm có thể có các cuộc gọi đến từ vụ tai nạn) tua trực cấp cứu đã tiếp nhận, cấp cứu, thu dung điều trị cho tổng cộng 17 người bệnh, gồm 12 người mới nhập cấp cứu, 5 người bệnh lưu theo dõi và chờ làm thủ tục ra viện.
"Qua giải trình của 9 thành viên tua trực, trong khoảng thời gian đang cấp cứu người bệnh Nguyễn Dưng (tua trực tiếp nhận người bệnh Nguyễn Dưng lúc 18 giờ 56 ngày 17/4), 2 điều dưỡng có nghe máy 115 đổ chuông nhưng do bận cấp cứu nên khi chạy đến thì máy đã tắt chuông", báo cáo nêu.
Đến 19 giờ 51, tua trực tiếp nhận người bệnh Đặng Anh V. (18 tuổi, nạn nhân vụ tai nạn) nhưng sau khi thăm khám, các bác sĩ tua trực chẩn đoán bệnh nhân đã tử vong (do chấn thương sọ não kín, gãy kín xương đùi trái). Sau đó, bác sĩ giải thích cho người nhà và làm thủ tục chuyển người bệnh đến nhà đại thể.
Lộ ra những bất cập
Theo ông Huỳnh Giới - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, lâu nay đầu số 115 được đặt tại phòng cấp cứu của đơn vị này, nhưng một kíp trực vừa phải xử lý cấp cứu nội viện lẫn ngoại viện như hiện tại đã gây ra nhiều áp lực đối với các y, bác sĩ, dẫn đến tình trạng giải quyết không xuể.
Hiện một kíp trực cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi kéo dài 12 giờ, gồm 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày đêm, phòng cấp cứu phải tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 120 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân này đều trong tình trạng nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế nhanh chóng, kịp thời. Với tình trạng như hiện nay, kíp trực vừa phải thực hiện cấp cứu nội viện lẫn ngoại viện là quá sức với các y, bác sĩ.
"Qua vụ việc, chúng tôi kiến nghị, cần giao cho 2 đơn vị riêng biệt như ở các tỉnh, thành khác thì mới hoàn thành tốt việc cứu người. Việc điều bác sĩ ở khoa đi cấp cứu đến hiện trường như lâu nay lộ rõ những bất cập cần phải giải quyết", ông Giới phân trần.
Ông Lê Báy - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau sự cố 115 vừa qua, sở sẽ đề xuất thành lập đơn vị cấp cứu riêng biệt. Tuy nhiên theo ông Báy, để đơn vị này phát huy được vai trò thì có nhiều vấn đề cần cân nhắc.
“Thực tế lập ra rồi cũng rất khó hoạt động vì còn liên quan đến nhiều thứ như nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất. Hiện ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… điều kiện kinh tế tốt mới có trung tâm cấp cứu riêng và đạt hiệu quả, đối với tỉnh nhỏ và còn nhiều khó khăn như Quảng Ngãi thì không đơn giản”, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Cũng theo ông Báy, những bất cập về đầu số 115 không chỉ xảy ra riêng ở Quảng Ngãi mà còn nhiều địa phương khác. Tại Quảng Ngãi, nếu muốn trung tâm cấp cứu riêng biệt này hoạt động ổn định thì phải dựa vào ngân sách nhà nước bởi việc thu tiền từ việc cấp cứu, cứu người là không khả thi, phải lo cho tính mạng của con người trước .
Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Qua sự việc có thể thấy những bất cập cần phải được khắc phục. Không thể để y, bác sĩ khoa cấp cứu nhận trách nhiệm cấp cứu ngoại viện. Tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập đội cấp cứu chuyên biệt túc trực như các tỉnh, thành khác, bảo đảm việc cấp cứu cho bệnh nhân nội viện lẫn ngoại viện thông suốt".