|
Ti vi Asanzo 32 inches thực chất linh kiện do nước ngoài sản xuất. Ảnh: Minh Thương |
Giả mạo xuất xứ hàng Việt
Ngay sau khi báo chí đăng loạt bài điều tra việc sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo là hàng Trung Quốc nhập khẩu sau đó dán nhãn Asanzo, ghi xuất xứ Việt Nam, người tiêu dùng thông qua các mạng xã hội đã lên tiếng. Thương hiệu Asanzo luôn được quảng cáo là hàng Việt Nam nhưng nay lại là hàng Trung Quốc nhập khẩu dán nhãn mác Việt Nam để nhập nhèm xuất xứ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin từ Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cho thấy, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương đến niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt. Vì vậy, Hội tước quyền sử dụng nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao đã cấp cho Asanzo.
Khoản 3, điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Căn cứ các quy định trên, các sản phẩm được Asanzo nhập khẩu từ Trung Quốc về tiêu thụ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba phải ghi rõ là “Xuất xứ Trung Quốc”, không được ghi xuất xứ Việt Nam. Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga |
Lý giải việc nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc nhưng lại dán nhãn xuất xứ Việt Nam, đại diện Công ty Asanzo cho rằng, hiện các sản phẩm ti vi đều là lắp ráp, trong khi Việt Nam không thể sản xuất toàn bộ linh kiện điện tử nên DN phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Do sản xuất bằng linh kiện Trung Quốc nên Công ty đã ghi rõ là “Xuất xứ Việt Nam” chứ không ghi “Made in Vietnam”. Phân tích về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu rõ: Khoản 1, điều 3 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa) quy định: Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. “Nếu Asanzo chỉ nhập linh kiện Trung Quốc về lắp ráp và dán mác Việt Nam vào sản phẩm thì không thể gọi nước sản xuất là nơi xuất xứ của sản phẩm” - bà Hằng Nga phân tích.
Asanzo không phải là DN đầu tiên dán nhãn Việt Nam lên sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đó, Tập đoàn Khai Silk cũng thừa nhận 50% lụa tơ tằm thương hiệu Khaisilk xuất xứ từ Trung Quốc. Đáng lo ngại là đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc làm giả xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh trong nước mà còn tác động không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của các DN Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Hàng rào pháp lý cần đủ mạnh
Nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Việt Nam dán nhãn mác Việt Nam, qua đó gian lận nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục Hải quan vừa yêu cầu hải quan các tỉnh, thành trong quá trình kiểm tra hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc phải kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số hồ sơ, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa phải phù hợp với tên hàng trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Trường hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu ghi nhãn "Made in Vietnam" phải xác minh làm rõ. Trường hợp đủ căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu có chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa thì tùy theo hành vi vi phạm để xử lý theo quy định.
Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc, tuy nhiên trong quá trình thực thi vẫn gặp không ít khó khăn. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, việc xử lý người làm giả xuất xứ hàng hóa đang gặp nhiều khó khăn do các quy định về hành vi này còn chồng chéo. Cụ thể, muốn xử lý đối tượng vi phạm, đòi hỏi lực lượng chức năng bắt quả tang nơi sản xuất. Nhưng thực tế cho thấy, việc xác định nguồn gốc một lượng lớn hàng nhập lậu đội lốt hàng Việt không dễ dàng. Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa Việt Nam nhưng chưa có quy định về tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các nghị định xử phạt hành chính hiện chưa thống nhất với Luật Xử phạt vi phạm hành chính khiến lực lượng chức năng còn lúng túng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Vietnam", việc xây dựng khung pháp lý về vấn đề này, sản phẩm, sẽ giúp hàng hóa Việt Nam khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới.
Mặc dù Công ty Asanzo đã đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhưng DN này lại không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm điện tử mà lắp ráp bằng linh kiện Trung Quốc nhập khẩu, sau đó dãn nhãn made in Việt Nam, đây là sai phạm về xuất xứ hàng hóa, ảnh hưởng đến vị thế hàng Việt sau 10 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ngoài ra, Asanzo cũng quảng cáo sản phẩm được sản xuất theo công nghệ Nhật Bản nhưng hoàn toàn lắp ráp thủ công, cách thức sản xuất này đã vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khi chất lượng không như quảng cáo. Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo uy tin hàng Việt trước vấn nạn hàng giả, gian lận xuất xứ hàng hóa, thời gian tới đòi hỏi các lực lượng chức năng như hải quan, quản lý thị trường tích cực vào cuộc ngăn chặn. Cụ thể, ngành hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng nhập khẩu Trung Quốc nhưng dãn nhãn made in Việt Nam, quản lý thị trường phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ sản xuất có đúng như DN quảng cáo hay không qua đó ngăn chặn hàng giả mạo xuất xứ, kém chất lượng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà Nội Phạm Bá Dục |