Thủ tướng Francois Fillon cho biết kế hoạch này của chính phủ nhằm đẩy nhanh cải cách hệ thống hưu trí, tiến tới thực hiện quy định người lao động nghỉ hưu ở tuổi 62 kể từ năm 2017 (sớm hơn so với dự kiến ban đầu là năm 2018). Kế hoạch mới cũng đề ra quy định tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ từ 5-7%; tăng 5% thuế doanh nghiệp đối với các tập đoàn và công ty có doanh thu lớn; bảo đảm duy trì thang bậc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Pháp ở mức cao "AAA." Người đứng đầu Chính phủ Pháp khẳng định việc đưa ra kế hoạch này nhằm tăng cường giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, tiết kiệm chi tiêu ngân sách khoảng 18 tỉ euro trong hai năm tới và mục đích chính của kế hoạch là để bảo vệ người dân Pháp trước những nguy cơ khó khăn kinh tế nghiêm trọng mà một số quốc gia châu Âu khác đang phải đối mặt. Tuy nhiên, dư luận Pháp tỏ ra hoài nghi đối với tính khả thi cũng như hiệu quả của các biện pháp mới này. Tờ Le Figaro, một tờ báo lớn ở Pháp, cho rằng việc thực hiện kế hoạch này là một thách thức và là một thử thách để khẳng định uy tín đối với Tổng thống Nicolas Sarkozy trước cuộc bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra vào tháng 4/2012. Về phản ứng của thị trường đối với kế hoạch khắc khổ mới, tờ Tiếng vang ( Les Échos) cho biết, mặc dù Chính phủ Pháp tỏ ra cương quyết, nhưng các tuyên bố vừa được đưa ra không xóa đi được hết những lo ngại đối với mức tín nhiệm "AAA" của Pháp. Theo nhiều chuyên gia tài chính, các biện pháp khắc khổ vừa được đưa ra là chưa đủ, vì dựa trên một viễn cảnh tăng trưởng cao hơn thực tế. Một chuyên gia kinh tế Ngân hàng Đức Deustch Bank cho rằng mức độ "thắt lưng buộc bụng" của kế hoạch này dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế là 1% năm 2012, mà tỷ lệ trên, theo tính toán của ông, “vẫn còn lạc quan." Trên thực tế, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ chỉ tăng 0,3%, trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay của Khu vực đồng euro. Theo dự báo của giám đốc nghiên cứu ngân hàng Natixis Patrick Artus, kế hoạch kể trên mới chỉ là một nửa nỗ lực cần phải có để giúp cho Pháp đưa được thâm hụt ngân sách xuống mức dự kiến. Vẫn theo Les Échos, nhiều kinh tế gia cho rằng, chương trình khắc khổ vừa được đưa ra không ảnh hưởng nhiều đến mức độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian trước mắt, các biện pháp về cơ bản là cân bằng, chỉ đụng đến những lĩnh vực ít đối mặt với cạnh tranh quốc tế và phần tăng thuế đối với thu nhập từ vốn là nhiều hơn đối với thu nhập từ lao động. Theo phân tích của báo Thế giới (Le Monde), trước khi kế hoạch khắc khổ được công bố chính thức, mục tiêu của các biện pháp nhằm mang lại 18 tỷ euro tiết kiệm vào năm 2016, là phải vừa trấn an được các thị trường, vừa tránh được sự nổi giận của xã hội./.