Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đan Phượng gỡ khó cho làng nghề

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 7 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, những năm qua, hoạt động của các làng nghề gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí có làng nghề đang bị mai một.

 Sản xuất đồ gỗ tại xã Liên Trung, huyện Đan Phượng.
Trong số các ngành nghề truyền thống còn phát triển trên địa bàn huyện Đan Phượng, nghề mộc được xem là đang “sống khỏe” hơn cả, đặc biệt là tại hai xã Liên Trung và Liên Hà. Theo thống kê của UBND xã Liên Trung, tại làng Hạ và làng Trung hiện có khoảng 500 hộ sản xuất, 221 công ty, với hơn 2.900 lao động. Những năm qua, nghề mộc nơi đây mang lại thu nhập trung bình lên tới 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh hai làng ở xã Liên Trung, nghề mộc ở thôn Thượng Thôn (xã Liên Hà) cũng rất phát triển. Hiện, Thượng Thôn có 40 công ty và 356 hộ sản xuất, tạo việc làm cho 4.000 lao động, với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Những năm qua, 3 làng nghề mộc kể trên đã từng bước xây dựng được thương hiệu, tạo thêm danh tiếng và uy tín trên thị trường.
Trong khi làng nghề mộc đang hoạt động tương đối hiệu quả thì các làng nghề khác trên địa bàn huyện Đan Phượng lại hoạt động khá cầm chừng. Điển hình là các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở các xã: Song Phượng, Hạ Mỗ và Hồng Hà. Hiện, số hộ tham gia nấu rượu, làm đậu, sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi tại các xã nêu trên vẫn rất đông. Tuy nhiên hiện nay, tổng số hộ sản xuất mang tính chất hàng hóa rất ít, chủ yếu chỉ hoạt động nhỏ lẻ và theo thời vụ. Giá trị kinh tế không cao, thu nhập của người lao động chưa ổn định. Riêng làng Thúy Hội (xã Tân Hội), nơi có nghề rèn và dệt vải truyền thống thì đến nay gần như đã không còn hộ dân nào tham gia sản xuất. Nguyên nhân là bởi những năm gần đây, sản phẩm của làng nghề này không đáp ứng được thị hiếu của thị trường nên dần bị mai một.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, thực tế phát triển cho thấy, các làng nghề trên địa bàn huyện phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các làng nghề có sản xuất sản phẩm hàng hóa cùng loại. Nhu cầu thị trường luôn biến động, mà ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong giai đoạn đã qua và trước mắt tới đây là minh chứng rõ nét nhất. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong sản xuất tại các làng nghề cũng đặt ra hết sức nan giải…
Để thúc đẩy sự phát triển cho các làng nghề truyền thống, huyện Đan Phượng đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND TP Hà Nội tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn về kiến thức pháp luật kinh doanh và xây dựng thương hiệu cho các hộ, DN sản xuất trong các làng nghề. Thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại ngành hàng lâm sản. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề bảo đảm yêu cầu về môi trường, phòng cháy chữa cháy trong sản xuất, cũng như giao thương hàng hóa.