Theo đánh giá của UBND huyện Đan Phượng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất hoa trên địa bàn. Cụ thể, sức tiêu thụ của hoa giảm đáng kể do các chợ hoa đầu mối đóng cửa. Các hộ dân phải chủ động các biện pháp, như giãn vụ để điều tiết sản xuất, trữ lạnh hoa để chờ tiêu thụ…
Mặc dù vậy, các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác cơ bản giữ vững, không bị gián đoạn quá lớn do ảnh hưởng của dịch. Sản lượng cây trồng, vật nuôi ổn định, bảo đảm cung ứng cho thị trường nội huyện và Thủ đô Hà Nội.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp Thủ đô ít nhất 4,12% trong năm 2020, huyện Đan Phượng cũng đã đặt ra mục tiêu tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 994 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2020 đạt từ 4,19% trở lên.
Cụ thể hoá mục tiêu trên, huyện Đan Phượng đã đề ra nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa, vụ Thu Đông 2020. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất…
Đặc biệt, huyện đang tập trung xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các xã: Liên Trung, Hạ Mỗ, Trung Châu, Hồng Hà và Thọ An. Đồng thời, phát triển các loài vật nuôi có tiềm năng và giá trị kinh tế cao như: Bò BBB, bò sữa, lợn nái ngoại.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, với tiềm năng, lợi thế được chỉ ra rất rõ, huyện Đan Phượng cần đặt ra mục tiêu cao hơn con số 4,19%, hướng tới mục tiêu của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2020.
Cùng với tập trung đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. Chú trọng đầu tư, nâng cấp các sản phẩm hàng hoá, nông sản, phấn đấu đạt mục tiêu theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến năm 2020...