Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dân số thế giới 7 tỷ người: Thách thức lớn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng qua, 31/10, bé gái Danica May Camacho ở Philipines đã cất tiếng khóc chào đời tại bệnh viện công Manila đánh dấu cột mốc 7 tỷ người của dân số thế giới. Trong bối cảnh này, Việt Nam (VN) sẽ chịu nhiều thách thức của sự chênh lênh giàu nghèo và những hệ lụy của già hóa dân số.

Chênh lệch giàu nghèo gia tăng

Nếu như năm 2002, khoảng cách giữa nhóm thu nhập thấp nhất với nhóm thu nhập cao nhất chênh lệch hơn 8 lần, đến hết năm 2010, tỉ lệ này đã lên tới 9,2 lần. Trong khi thu nhập bình quân của người VN là 1,387 triệu đồng/người/tháng, thì nhóm nghèo nhất mỗi tháng chỉ thu nhập 369.000 đồng/người, còn thu nhập trung bình của nhóm giàu nhất lên tới trên 3,4 triệu đồng/người. Và khoảng cách này đang ngày càng rộng hơn. Mức thu nhập bình quân thấp nhất là Quảng Nam với trung bình chỉ 42 triệu đồng/hộ/năm, tiếp đến Lai Châu 46 triệu đồng/hộ/năm. Cao nhất là Long An với 114 triệu đồng/hộ/năm.

Năm 2011, mặc dù chưa điều tra cụ thể nhưng với "bão giá" lên đến gần 20%, chắc chắn khoảng cách giàu nghèo sẽ lớn hơn. Nhiều năm trước, các chuyên gia đã khuyến cáo Việt Nam sẽ xuất hiện nhóm nghèo mới do đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác. Vì thế, tác động xã hội của quá trình đô thị hoá phải được đánh giá cẩn thận và cân nhắc đầy đủ trong quy hoạch đô thị, để có những chính sách kèm theo và những giải pháp phù hợp. Nhưng xem ra những cảnh báo ấy chưa được quan tâm đúng mức. Bởi thế, không ít dự án giải phóng dân lấy đất làm đô thị, khu công nghiệp, sân golf... xong, người dân bị bỏ mặc.

Hệ lụy về già hóa dân số

Tại thời điểm này, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Trong tương lai, tốc độ già hóa sẽ tăng 0,5% - 0,6% và đến năm 2025, sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), nước ta đang già hóa với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng, trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Theo đó, VN chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về tư duy, nguồn lực cũng như chính sách, cơ chế, như vậy, sẽ không tránh khỏi sự lúng túng nếu không có những giải pháp thích ứng kịp thời.

Theo một số báo cáo gần đây, ở người cao tuổi Việt Nam tỷ lệ khỏe mạnh thấp. Họ đang chịu xu hướng bệnh tật kép do tuổi già và thay đổi cuộc sống mới, làm cho chuyển hướng xu hướng bệnh tật từ bệnh lây nhiễm sang không lây nhiễm và mãn tính khiến chi phí chăm sóc cao. Trong khi đó, chính sách đã thay đổi hướng tới phục vụ dân số già tốt hơn, nhưng thực tế, do một vài hạn chế về tài chính, nguồn nhân lực, dường như thay đổi về mặt chính sách vẫn chậm hơn so với yêu cầu thực tế. Đây sẽ là những thách thức không nhỏ đối với VN trước con số thế giới 7 tỷ người.