Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau những con số xuất khẩu ấn tượng và ngã rẽ của doanh nghiệp Việt

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, chỉ có 300 DN Việt đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp; hoặc đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN.
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào DN FDI

Sáng 8/8, Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm - Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của hơn 200 DN là các đơn vị xuất khẩu cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, đại diện các Bộ, sở, ban ngành, hiệp hội ngành hàng, ngành nghề liên quan đến xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, năm 2017 là năm đặc biệt thành công khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016. Trong năm nay, tình hình xuất khẩu được nhận định sẽ tiếp tục có những cơ hội để tăng trưởng khi các cam kết hội nhập được triển khai sâu rộng giúp thuế xuất nhập khẩu tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, những nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi, thông thoáng, minh bạch của Chính phủ cùng các bộ, ngành được kỳ vọng sẽ tạo động lực xuất khẩu.

Cũng theo số liệu từ Cục Xuất Nhập khẩu, tính đến hết tháng 7/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước đạt 264,32 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 133,69 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn mức tăng trưởng phấn đấu đạt được cả năm 2018.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay cũng bộc lộ những tồn tại, trong đó đáng chú ý, dù kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cao nhưng đóng góp lại chủ yếu đến từ khu vực DN FDI (chiếm hơn 70%), trong khi sự tham gia của các DN Việt còn mờ nhạt và hạn chế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích tại hội thảo, có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là: Chúng ta thiếu vắng các DN quy mô vừa, có tính hiệu quả kinh tế theo quy mô để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi đó vai trò của các khu/cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh còn hạn chế. Quá trình sản xuất của các DN Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị, trên thực tế hợp tác kinh doanh của Việt Nam với DN FDI chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%) và sản xuất hàng hoá/dịch vụ (24,8%) còn khâu phát triển sản phẩm mới gần như không có sự hợp tác.

Tiếp đến là mối liên kết ngược/xuôi giữa 2 khối DN nội và FDI đang rất hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa. Tỷ lệ sản phẩm được FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI, trong đó phần còn lại là mua của DN FDI khác.
Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải

Ngã rẽ của các DN Việt

Cũng theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, hoặc tiếp tục xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp; hoặc đa dạng hóa và vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng hơn.

Đứng trước ngã rẽ này, Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là DN lớn, 2-5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ. Vấn đề chính của DN là thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính, thiếu tính lan tỏa từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước và rất ít DN kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về vấn đề trên, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ví dụ, hiện nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 15,8 tỷ USD năm 2011 lên 31 tỷ USD năm 2017, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới. Dù vậy, ngành công nghiệp dệt may của nước ta hiện nay chủ yếu tham gia vào phần cắt và may trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói nên giá trị gia tăng còn thấp. Đặc biệt, ngành dệt may đang phải phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo ý kiến của đại diện các DN tại hội thảo, phần lớn DN Việt Nam có quy mô nhỏ, không đủ tiềm lực đầu tư vùng nguyên liệu, thiết bị chế biến sâu và thiết bị đóng gói hiện đại. Hơn nữa các DN Việt Nam đang chạy theo thành tích về số lượng chứ chưa phải là xây dựng thương hiệu. Điều đó thể hiện tư duy ngắn hạn, tầm chiến lược chưa có.

Từ thực trạng trên, bà Phạm Chi Lan chia sẻ, muốn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Việt Nam phải có gói cải cách toàn diện, triển khai theo một lộ trình xuyên suốt nhiều khía cạnh.

Đặc biệt, cần tăng liên kết trong nước với nước ngoài, giữa DN xuất khẩu với các DN cung cấp đầu vào trong nước bởi khả năng kết nối của quốc gia với thị trường toàn cầu về hàng hóa, dịch vụ, vốn và lao động là yếu tố chính để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Song song với đó, DN cần nâng cao mức độ tinh thông trong hoạt động như kỹ năng, năng lực và thực tiễn quản lý bên trong giúp DN đạt được năng suất và trình độ đổi mới sáng tạo cao nhất có thể.

Các DN lớn cần cải thiện hệ thống quản trị, gắn kết, bổ trợ nội bộ và liên kết với các DN khác; có chiến lược tốt tránh mang tính ngắn hạn và thời cơ; giảm khoảng cách về hiệu quả hoạt động và năng suất giữa khu vực DN nhà nước, DN tư nhân trong nước và DN nước ngoài...

Còn theo Cục Xuất nhập khẩu, để hướng tới xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới cần có nhiều giải pháp trọng tâm như thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm xuất khẩu; đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường các biện pháp nhằm duy trì thị trường xuất khẩu ổn định; tăng cường và đổi mới thông tin thị trường; cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu...