Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau sự phục hồi ngoạn mục của kinh tế Ba Lan giữa đại dịch Covid-19

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã buộc nhiều nền kinh tế phải nhanh chóng đưa ra các kịch bản tăng trưởng phù hợp nhất, Ba Lan là một trong những điển hình thích ứng tốt trước đại dịch. Báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Adam Glapiński - Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Người Hy Lạp cổ đại đã đúng trong hầu hết các trường hợp, nhưng rất tiếc là họ không biết khái niệm gia tốc, hoặc ít nhất là không có công cụ toán học để mô tả nó một cách chính thức. Phải mất nhiều thế kỷ, nhờ Galileo, hay đúng hơn là Newton, chúng ta mới hiểu được rằng, gia tốc - tức là sự thay đổi tốc độ theo thời gian - luôn gắn liền với tác dụng của lực. Những tháng gần đây đã dạy chúng ta, rằng định luật thứ hai của động lực học không chỉ hữu ích khi chúng ta muốn đưa vệ tinh vào quỹ đạo, mà khi chúng ta cố gắng tìm hiểu các sự kiện kinh tế ở Ba Lan và trên thế giới trong thời kỳ đại dịch, thì hiện tượng gia tốc chính là chìa khóa để diễn giải.
 Giáo sư Adam Glapiński - Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP). Ảnh: NBP
Bởi vì chỉ trong vài tuần, tác động của các biện pháp hạn chế và tâm lý hoảng loạn do đại dịch đã khiến nhiều nền kinh tế sừng sỏ sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng âm được báo cáo trong mọi ngành nghề, trong khi sức khỏe, sinh mệnh con người bị đặt ở thế ''ngàn cân treo sợi tóc''.

Tình thế buộc phải có những hành động nhanh chóng và dứt khoát để vừa hạn chế sự phát tán của virus, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) là một trong những ngân hàng Trung ương đầu tiên phản ứng mau lẹ trước đại dịch bằng một loạt chính sách nới lỏng tiền tệ. Thực tế là trong những năm gần đây, chúng tôi đã theo đuổi chính sách tiền tệ truyền thống, thận trọng, vì vậy, có không gian cần thiết để hành động. Chúng tôi cũng không ngần ngại hạ lãi suất gần như bằng 0 và bắt đầu mua trái phiếu do kho bạc phát hành và bảo lãnh.

Mặc dù các quyết sách được đưa ra rất nhanh chóng trong điều kiện chưa chắc chắn, nhưng đến hôm nay có thể nói rằng, những biện pháp này đã hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế Ba Lan. Thành công này chủ yếu được phản ánh qua số liệu về GDP, tổng sản phẩm quốc nội của Ba Lan tuy sụt giảm nhưng vẫn thấp hơn 2 lần so với mức trung bình của châu Âu, trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong toàn Liên minh châu Âu.

Hàng loạt biện pháp hạn chế tác động tức thì đến mọi mặt đời sống trên quy mô toàn cầu. Nhưng cũng nhờ các biện pháp mạnh mà nhiều quốc gia đã dần phục hồi kinh tế, và Ba Lan là một ví dụ điển hình. 1 năm sau đại dịch bùng phát, nền kinh tế này đã trỗi dậy mạnh mẽ.

Minh chứng rõ nét nhất là trường hợp nước Mỹ. Theo các nhà kinh tế, quốc gia này này phải mất trung bình 14 quý (tức 3,5 năm) để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường trong các đợt suy thoái 70 năm qua. Tuy nhiên, họ chỉ mất nửa năm để phục hồi dù đại dịch đã làm GDP sụt giảm mạnh nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Sự phục hồi ngoạn mục của kinh tế Ba Lan sẽ làm người ta vui sướng, nhưng - cũng giống như sự suy giảm đột ngột một năm trước đây - nó cũng tạo ra vô vàn thách thức. Ví dụ, đâu đó dấy lên lo ngại về việc, liệu các ngân hàng trung ương có phản ứng chậm trễ đối với dữ liệu và dự báo kinh tế vĩ mô đang ngày một tốt hơn hay không, điều này sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ngay cả khi bối cảnh của những nhận định này là ở thời hiện đại, chúng cũng không có gì mới mẻ trong lịch sử chính sách tiền tệ. Chính William McChesney Martin - Chủ tịch Fed huyền thoại chịu trách nhiệm giám sát quá trình tái thiết hậu chiến giai đoạn 1951 - 1970, đã nhận thấy một cách tinh tế rằng, nhiệm vụ thực sự của ngân hàng trung ương là “có thể đặt phịch bình hoa xuống ngay khi niềm vui vẫn đang còn”.
Tất nhiên, việc xác định một chiến lược tối ưu để bước ra khỏi những hành động bất thường trong chính sách tiền tệ là một thách thức khá lớn. Tuy nhiên, có thể nói một cách chắc chắn rằng, quá trình này - cả trên thế giới và ở Ba Lan - nên được trải ra một cách khôn ngoan theo thời gian và nên được coi là một yếu tố mang tính liên tục trong chính sách của ngân hàng trung ương, chính sách mà một mặt không thể phá vỡ nền tảng của tăng trưởng sau khủng hoảng, và mặt khác dẫn tới sự gia tăng mất cân đối vĩ mô và tài chính.

 Một góc Thủ đô Warsaw. Ảnh: Warsaw Skyline
Kinh nghiệm mà Ngân hàng Quốc gia Ba Lan đạt được, đặc biệt trong năm vừa qua, cùng các công cụ phân tích và kênh giao tiếp với thị trường đã giúp chúng tôi sẵn sàng cho thách thức này. Các biện pháp giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch đã phát huy hiệu quả và NBP sẽ chứng minh điều đó một lần nữa, bằng cách theo đuổi chính sách thận trọng nhằm khôi phục nền kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh trong khi duy trì ổn định giá cả và cân bằng kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, chúng ta không thể cho phép bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào về tỷ giá hối đoái hoặc lãi suất trái phiếu hạn chế triển vọng tăng trưởng, vì đó là tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Ba Lan trong nhiều năm tới. Đây là lý do tại sao Ba Lan có đơn vị tiền tệ của riêng mình - đồng zloty, để có thể thực hiện một chính sách tiền tệ độc lập và tự chủ, được coi là biện pháp giảm sốc quan trọng đối với chúng tôi.
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đối phó tốt với đại dịch và hậu quả kinh tế của nó? Chúng tôi có những kế hoạch đầy tham vọng cho tương lai, mẫu số chung là bắt kịp các quốc gia thịnh vượng nhất. Để theo đuổi mục tiêu này, chúng tôi không chỉ duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, mà còn tận dụng tối đa các cơ hội do gia tăng dự trữ ngoại hối mang lại.
Với tư cách là ngân hàng trung ương, NBP là cơ quan giám sát khối tài sản quốc gia khổng lồ dưới dạng tài sản dự trữ, trị giá lên tới 130 tỷ EUR. Nhờ quản lý dự trữ ngoại hối khôn ngoan, NBP đã tạo ra lợi nhuận trong các năm 2016 - 2020, trong đó tổng nộp ngân sách nhà nước vượt 32 tỷ PLN (7 tỷ EUR), tương ứng gần 5% tổng bảng cân đối kế toán của NBP từ cuối năm 2020. Nỗ lực đảm bảo tính an toàn cao cho các khoản tiền đã đầu tư, tính thanh khoản và khả năng sinh lời của chúng trong dài hạn, lãnh đạo NBP đã thông qua chiến lược quản lý dự trữ mới vào năm 2020, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nền kinh tế lớn ghi nhận lãi suất thấp hoặc thậm chí là âm. Một trong những trụ cột đầu tư của chúng tôi là việc tăng dần lượng vàng của ngân hàng trung ương, giúp đa dạng hóa rủi ro một cách hiệu quả đối với các khoản đầu tư khác.
Trong năm 2018 - 2019, NBP đã mua 125,7 tấn vàng, nâng lượng vàng lên 228,7 tấn, chiếm khoảng 8% tài sản dự trữ chính thức. Quy mô và tốc độ mua thêm vàng sẽ phụ thuộc vào động lực tăng trưởng của dự trữ ngoại hối NBP, cũng như các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường trong tương lai.

Chúng tôi đã đạt được rất nhiều, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài. Đó là lý do tại sao chúng ta không thể nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế của mình, chúng ta phải thận trọng dẫn dắt Ba Lan đi trên con đường hội tụ và tăng trưởng bền vững, đồng thời đầu tư một cách khôn ngoan vào khối tài sản dự trữ ngày càng lớn mạnh. Bởi hơn tất thảy là một tương lai an toàn và điều kiện sống của hàng triệu người Ba Lan ngày càng được cải thiện.

* Bài được đăng đồng thời trên tờ nguyệt san Ba Lan "Mọi thứ Quan trọng nhất" như một phần của dự án được thực hiện với Viện Tưởng niệm Quốc gia và Ngân hàng Quốc gia Ba Lan.
Ông Adam Glapiński, là Giáo sư kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP), người có công trong nhiều chính sách tiền tệ táo bạo giúp Ba Lan vững vàng trong đại dịch và sẵn sàng đương đầu thách thức.