Chương trình được diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và một số tuyến phố ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên, nhằm tôn vinh giá trị di sản văn hóa của Thủ đô, tôn vinh nét đẹp của trang phục áo dài truyền thống.
Trước đó, năm 2023, chương trình "Đi xe đạp cùng áo dài kết nối di sản Hà Nội lần thứ 1" với hành trình đạp xe quanh Thủ đô đã thu hút sự hơn 150 người yêu thích trang phục cổ truyền dân tộc tham gia. Trong những ngày tháng 9 lịch sử, tận hưởng không khí mùa Thu Hà Nội, mặc áo dài đạp xe diễu hành trên đường phố sẽ là trải nghiệm khó quên đối với những người tham gia. Đồng thời, thông qua chương trình, mỗi thành viên sẽ góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Hà Nội trong mắt du khách, đồng thời làm đa dạng cho kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu khởi đầu cho chuỗi hoạt động trong “Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024” mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối áo dài với di sản văn hóa và điểm đến du lịch của Hà Nội. Những ngày diễn ra sự kiện đã thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội, du khách trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa di sản trong đời sống hiện đại.
Đồng thời, thông qua chuỗi hành động kết nối di sản, sự kiện được kỳ vọng sẽ tái hiện vẻ đẹp của con người Tràng An thanh lịch với hình ảnh người dân mặc áo dài đạp xe quanh những con phố cổ ở Hà Nội sẽ góp phần tôn vinh giá trị văn hóa của Thủ đô, tôn vinh nét đẹp của trang phục áo dài truyền thống.
Hướng đến chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, CLB Đình làng Việt, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, phối hợp tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống: kinh nghiệm của cộng đồng và nhà quản lý”, để nhìn lại chặng đường đã qua của cộng đồng và cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản áo dài truyền thống.
Để áo dài thực sự trở thành biểu tượng văn hóa của người Việt, tại hội thảo, những nhà nghiên cứu, người thực hành may, mặc và đặc biệt là những nhà quản lý đã trao đổi, chia sẻ thành tựu đã đạt được cũng như những vấn đề còn bất cập, nhằm rút kinh nghiệm để áo dài truyền thống được bảo tồn và phát huy giá trị bền vững hơn. Thông qua hội thảo nhà tổ chức mong muốn sẽ có thêm hành động cụ thể, đóng góp thiết thực đưa áo dài truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ công nghiệp văn hóa và phát triển du lịch của địa phương.
Những năm qua, để duy trì, bảo tồn và lan tỏa di sản văn hóa, CLB Đình làng Việt mong muốn những hành động của mình sẽ góp phần đưa đến người dân, du khách có cái nhìn và hiểu biết rõ nét hơn về áo dài truyền thống nói riêng và vẻ đẹp cũng như các giá trị của di sản Hà Nội nói chung; để mỗi người dân sẽ có ý thức cũng như trách nhiệm quảng bá những giá trị, hình ảnh đẹp, giàu bản sắc của Thủ đô đến du khách và bạn bè quốc tế.
Hà Nội vào Thu, trong tháng 9 và 10 tới đây, hàng loạt những sự kiện văn hóa sẽ diễn ra để chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô. Trong đó hành trình áo dài sẽ giúp gắn kết, lan tỏa những giá trị truyền thống đến đông đảo người dân, để chúng ta thêm yêu và tự hào vì những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc luôn có vị trí trân trọng trong tâm thức của người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến. Hoà trong niềm vui chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô, mỗi người dân lại hân hoan diện tà áo dài xuống phố, tô điểm cho sắc Thu Thủ đô thêm nhiều màu sắc!