Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dành 70% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 20/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc tại nhà Quốc hội mới Ba Đình và dự kiến sẽ kéo dài tới 28/11 với 33 ngày làm việc.

Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ

Đây là kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ xem xét và quyết nghị các vấn đề kinh tế - xã hội, đồng thời dành khoảng 70% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án Luật và 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thảo luận Báo cáo giám sát chuyên đề "Việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DN Nhà nước và hệ thống ngân hàng"... 
Cử tri quận Đống Đa, TP Hà Nội phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 1/10. Ảnh: Phạm Hùng
Cử tri quận Đống Đa, TP Hà Nội phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 1/10. Ảnh: Phạm Hùng
 
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 cán bộ giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết 35/2012/QH13. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là một kênh để tham khảo trong công tác chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới. Kết quả việc lấy phiếu vừa qua cũng rút ra một số kinh nghiệm, trong đó có việc xây dựng đề cương chi tiết hơn cho các báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo sự thống nhất... Sau khi lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Nghị quyết 35 (sửa đổi).

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp, trong ngày làm việc đầu tiên, sau phần khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghe đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, triển khai kế hoạch năm 2015; các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; báo cáo tổng hợp, ý kiến, kiến nghị của cử tri…

Cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội 31 nhóm vấn đề 

Tổng hợp của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, cho thấy, ngoài 79 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của TP, cử tri Hà Nội đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan T.Ư 31 nhóm vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế, xã hội, quản lý và xây dựng chính quyền…

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều cử tri đề nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở DN, hợp tác xã... theo hướng một số huyện của Hà Nội được áp dụng mức lương tối thiểu đối với DN hoạt động trên địa bàn vùng II. Cử tri cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin nhiều dự án bị đội vốn, chậm tiến độ (các dự án đường sắt đô thị đang thi công tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh), chất lượng kém (như hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai...) và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành làm rõ nguyên nhân, đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể có sai phạm. 

Cử tri các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, huyện Thanh Trì tiếp tục cho rằng, cơ chế thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy hiện nay là bất hợp lý; Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu không thu phí bảo trì đường bộ hoặc có cơ chế thu khoản phí này phù hợp hơn, đảm bảo công bằng.

Cử tri huyện Sóc Sơn phản ánh tuyến QL 18 đã đi vào hoạt động từ lâu, nhưng đến nay, hệ thống đường gom của tuyến đường trên địa bàn huyện vẫn chưa thi công, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của người dân và đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo cơ quan chức năng sớm khắc phục tình trạng trên. Cùng với đó, cử tri Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia; quan tâm đến các vấn đề như đổi mới giáo dục, thay đổi quy trình khám chữa bệnh thẻ BHYT cho thuận lợi hơn... Cử tri tiếp tục đề nghị Quốc hội tăng thời gian chất vấn của ĐB Quốc hội và trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, Trưởng ngành tại mỗi kỳ họp.