Đây là nhận định của lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tại Hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQGHN” do ĐHQGHN phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức hôm nay 27/9.
Tại buổi tham vấn, PGS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN báo cáo kết quả tổ chức thí điểm thi tuyển chọn SV vào học bậc ĐH cho các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (sau khi đã trúng tuyển vào ĐHQGHN) bằng bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL) và tuyển chọn học viên cao học với bài thi ĐGNL thay cho môn cơ bản vừa diễn ra đầu tháng 9.
Toàn cảnh buổi Hội thảo sáng 27/9.
|
Các kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra lỗi phần mềm. Qua phân tích kết quả ĐGNL và so sánh với kết quả kì thi ba chung của Bộ GD&ĐT cho thấy đề thi có chất lượng tốt. Bài thi ĐGNL về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực của người học và có mối tương quan thuận chiều với kết quả kì thi ba chung. Những thí sinh có kết quả thi ĐGNL cao cũng đồng thời có kết quả thi ba chung cao.
Khảo sát ý kiến phản hồi của hơn 1.000 thí sinh trực tiếp tham gia kỳ thi ở bậc ĐH, đại đa số cho rằng bài thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký, cấu trúc và thời gian làm bài của bài thi là hợp lý. Có hơn 80% thí sinh dự thi cho biết đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của SV, bám sát chương trình học, độ phủ kiến thức rộng trong suốt chương trình THPT. Có đến 2/3 ý kiến khẳng định thi trên máy tính tiện lợi, sử dụng đơn giản và đặc biệt khách quan, công bằng trong đánh giá.
Cũng có đến 60% trên tổng số 550 thí sinh nhận xét bài thi tổng hợp tuyển sinh bậc sau ĐH cho rằng đề thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký.
Đa số các thí sinh đều nhận thấy kỳ thi chỉ một bài duy nhất, thi trong một buổi, gọn nhẹ, dễ triển khai, đơn giản, thiết thực, tiết kiệm, dễ được xã hội đồng tình, ủng hộ. Hơn nữa, đề thi dạng trắc nghiệm khách quan gồm 140 câu hỏi (kiến thức toán -định lượng, văn - định tính, và khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài, hạn chế tiêu cực mà không cần các phương tiện giám sát phức tạp, tránh gây bức xúc cho xã hội.
PGS Nguyễn Kim Sơn cho biết, dự kiến phương án tuyển sinh năm 2015 sẽ được triển khai trên cơ sở thí điểm dạng thức bài thi ĐGNL của năm 2014 có điều chỉnh theo hướng phản hồi của thí sinh và các chuyên gia. Năm 2015 sẽ có 2 đợt thi diễn ra vào tháng 4 và tháng 8. Ngoài Hà Nội sẽ có thêm 6 điểm thi nữa như Hải Phòng, Thái Nguyên, Vinh,…Phương án tuyển sinh vào các ngành bậc ĐH của ĐHQGHN năm 2015 sẽ được hoàn thiện và công bố trước ngày 15/10/2014.