Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá Mức độ hài lòng của doanh nghiệp và thời gian thực hiện thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan và Dự án Tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID TFP) tổ chức, ngày 22/6, tại Hà Nội.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ báo cáo tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính - dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, thuộc phạm vi quản lý của 5 bộ, bao gồm: Công Thương, GTVT, NN&PTNT, KH&CN, Y tế.
Kết quả khảo sát cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng hoạt động tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”; “xem hồ sơ” lần lượt là 95%, 93%. Dù vậy, vẫn có một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp gặp khó khăn khi sử dụng cổng thông tin, chẳng hạn như 27% doanh nghiệp chưa hài lòng với tình trạng hoạt động thiếu ổn định; 20% doanh nghiệp phản ánh tốc độ xử lý tác vụ trên Cổng còn chậm…
Từ thực tế khảo sát, báo cáo cũng đã đưa ra các khuyến nghị như cần công khai bộ, ngành hoàn thành, chưa hoàn thành việc đưa các thủ tục hành chính lên Cổng; đẩy mạnh mức độ công khai thông tin; thống nhất biểu mẫu để doanh nghiệp không phải nộp lại, nộp nhiều bộ cùng một loại giấy tờ; áp dụng hồ sơ điện tử - nộp cổng để lấy thành tích và nộp trực tiếp để xử lý yêu cầu…
Đặc biệt, các bộ, ngành cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch trong cung cấp thông tin tiến độ giải quyết hồ sơ, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện chia sẻ dữ liệu, nhất là dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho các bộ, ngành.