Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh giá việc thực hiện 7 chương trình đột phá của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 3/7 chương trình được đánh giá có nguy cơ lớn không hoàn thành, trong đó có chương trình giảm ngập nước.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân thông báo kết quả hội nghị.
Trong 3 ngày (4, 5, 6/7) vừa qua, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh khóa X họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân.

Trong Thông báo sau Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh đánh giá, việc thực hiện 7 Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đạt được một số kết quả khả quan. Một số chương trình có khả năng hoàn thành khi kết thúc nhiệm kỳ 2016 - 2020, nhưng cũng có một số chương trình khó có thể hoàn thành nếu không có sự đổi mới cách triển khai một cách quyết liệt, toàn diện. Sau Hội nghị này, Thành ủy sẽ phân công lại các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy cùng với Thường trực UBND TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp mới để thực hiện từng chương trình. Đối với từng chương trình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh:

Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tuy 4/6 chỉ tiêu chương trình có thể hoàn thành trong nhiệm kỳ, song thời gian tới, các ngành cần quan tâm trong việc thu hút chuyên gia có trình độ cao để tham gia giải quyết các vấn đề khó của TP, có chính sách đặc biệt để chỉ tiêu mỗi trạm y tế có 2 bác sĩ thực hiện đạt; chỉ tiêu về bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục, thể thao và chỉ tiêu bồi dưỡng về trình độ và chính trị cho doanh nhân còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu, ngành văn hóa, hiệp hội doanh nghiệp cần quan tâm để tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Chương trình cải cách hành chính

Nếu không có cố gắng mạnh mẽ, đồng bộ, sự giám sát hiệu quả của MTTQ Việt Nam TP sẽ không hoàn thành, đặc biệt là chỉ số về sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và đóng góp cải cách hành chính vào sự phát triển của TP đạt rất thấp.

Trong thời gian tới, cần có cơ chế phối hợp tốt hơn giữa UBND TP, các sở, ngành và Mặt trận Tổ quốc TP để đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng hạn, nghiên cứu kết luận về tính hiệu quả của giải pháp viết thư xin lỗi và đẩy mạnh dịch vụ công ở mức độ 3, 4. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Thông tin Truyền thông và Viện Nghiên cứu phát triển có chương trình ký kết cụ thể hàng năm để triển khai công tác giám sát về cải cách hành chính, nhất là giám sát việc thực hiện 10 tiêu chí mà TP đạt thấp so với cả nước trong 3 bộ chỉ số cải cách hành chính.
Một góc TP Hồ Chí Minh
Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP

Cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập, vị thế kinh tế TP được giữ vững, yếu tố năng suất tổng hợp có tiến bộ. Thời gian qua, TP tập trung triển khai xây dựng TP thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông, có nhiều giải pháp khởi nghiệp sáng tạo. Đây là các giải pháp quản lý, tạo môi trường và điều kiện quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho TP. Khu đô thị sáng tạo phía Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức) là hạt nhân lan tỏa của TP trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Về chương trình này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong thời gian tới các ngành cần tiếp tục phát huy vai trò khoa học - công nghệ thật sự mạnh mẽ, hiệu quả cao cho các doanh nghiệp; sớm hình thành danh sách và chính sách cho phát triển các sản phẩm chủ lực TP; có giải pháp cụ thể để phát huy nhanh nguồn tài nguyên 26.000ha đất nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng để phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, tạo ra một nguồn lực hết sức to lớn để đầu tư phát triển; đẩy mạnh liên kết vùng giữa TP với các địa phương; nghiên cứu quy hoạch hệ thống logistic của TP (hoàn thành trong năm 2018) để kết nối giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không, phát triển hệ thống kho, bến tàu, phục vụ hiệu quả cao cho ngành vận tải, sản xuất, dịch vụ, du lịch, đi lại; quan tâm thu hút mạnh mẽ đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông, logistic. Cần chuyển mạnh mẽ chi ngân sách từ chỗ đầu tư để xây dựng nhà máy, công trình sang mua dịch vụ công do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp trong thị trường cạnh tranh.

Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông

Hiện nay, chỉ tiêu mật độ đường giao thông, đất dành cho giao thông, tỷ lệ người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng đến nay đạt rất thấp so với chỉ tiêu đề ra; các công trình thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư còn rất ít; dự kiến nhu cầu vốn đầu tư của chương trình trong thời gian 2018 - 2020 là 324.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP và trung ương chỉ đáp ứng khoảng 38%. Đây là chương trình có nguy cơ lớn không hoàn thành.
Một đoạn đường tại quận Tân Bình bị ngập sâu trong nước. Ảnh: TTXVN

Chương trình giảm ngập nước

Từng bước phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo TP theo hướng tích cực, cải thiện đời sống dân sinh. Tuy nhiên, vấn đề ngập nước có nguyên nhân do hệ thống thoát nước sẵn có bị tắc nghẽn, nguyên nhân chủ yếu là người dân xả rác hoặc chiếm dụng.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các quận, huyện cần phát động cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân ở từng phường - xã, thị trấn, khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân về trách nhiệm đảm bảo thông thoáng các kênh, rạch, cống thoát nước, hố ga, cửa cống, mà lực lượng nòng cốt vận động và triển khai là các tổ chức chính trị - xã hội. Chỉ khi nào mỗi người dân, hộ gia đình chung tay chống ngập thì thành phố mới hết ngập.

Nhu cầu vốn để hoàn thành chương trình là 73.000 tỷ đồng, song mới thu xếp được 27.000 tỷ đồng, còn thiếu 46.000 tỷ đồng (chiếm 63%). Vì vậy, cần tổ chức Hội nghị chuyên đề mời các doanh nghiệp tham gia thực hiện các công trình. Đây là một chương trình có nguy cơ lớn không hoàn thành.

Chương trình giảm ô nhiễm môi trường

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt 21%, trong khi chỉ tiêu là 80%. Chỉ tiêu về vệ sinh môi trường của các xã nông thôn mới đạt thấp (32%). Trong thời gian tới cần quyết liệt phối hợp rà soát để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải và biến rác sinh hoạt, rác công nghiệp thành điện với công nghệ tiên tiến, Nhà nước chỉ trả phí dịch vụ, không xây dựng nhà máy xử lý nước thải, rác.

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị

Với cách làm như vừa qua chương trình di dời nhà trên, ven kênh, rạch khả năng đến cuối nhiệm kỳ chỉ thực hiện đạt khoảng 20%. Việc cải tạo chung cư cũ và xây mới thay thế đến nay mới hoàn thành 24% chỉ tiêu. Đây là chương trình có nguy cơ không hoàn thành rất cao.

Về vấn đề này Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Ban điều hành Chương trình khẩn trương chủ trì cùng các sở, ngành nghiên cứu cách tiếp cận khác để thu hút mạnh mẽ, nhanh các doanh nghiệp tư nhân tham gia; cần có giải pháp thí điểm đặc thù phân cấp cho các quận, huyện trong việc sửa chữa chung cư; cần khẩn trương bàn và kết luận có tiếp tục đầu tư khu đô thị Tây Bắc hay không, đầu tư tiếp thì làm thế nào?