Trước Philippines, EU đã ký thỏa thuận về thành lập khu vực mậu dịch tự do với Singapore và Việt Nam cũng như đang tiến hành đàm phán với Thái Lan và Malaysia về thỏa thuận tương tự. EU cũng đã khởi động quá trình đàm phán với ASEAN về khu vực mậu dịch tự do chung giữa EU và ASEAN nhưng tiến trình này hiện giậm chân tại chỗ.
Có lẽ cũng chính vì thế mà EU mới chuyển trọng tâm và ưu tiên sang cách "đánh lẻ" với diện có lựa chọn thành viên ASEAN. Philippines là thành viên ASEAN thứ 5 ở trong vòng ngắm của EU. So với Singapore hay Việt Nam, thậm chí cả so với Malaysia hay Thái Lan thì Philippines quan trọng không kém đối với EU: Với khoảng 100 triệu người tiêu dùng, Philippines là thị trường đầy tiềm năng. Hàng năm, EU xuất khẩu sang Philippines giá trị khoảng 7 tỷ Euro và nhập khẩu về từ Philippines giá trị hàng hóa khoảng 6 tỷ Euro. Những số liệu này không hẳn là nhỏ đối với EU nhưng rất lớn đối với Philippines. Làm gì có chuyện EU đi "đánh lẻ" vô cớ.
EU hiện rất khó khăn trong nội bộ và vì phải đối phó với nhiều thách thức như khủng hoảng tài chính và nợ công ở một số nước thành viên, vấn đề người tị nạn và nhập cư, khủng bố quốc tế, quan hệ với Nga dưới tác động của vấn đề Ukraine. Nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng vẫn có tầm quan trọng đặc biệt đối với EU.
Quan hệ song phương của EU với từng quốc gia trong khu vực chỉ là một chuyện, cạnh tranh với các đối tác khác như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các quốc gia này là chuyện khác. EU đang đàm phán với Mỹ về Quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương trên lĩnh vực đầu tư và thương mại (TTIP) trong khi Mỹ đã hoàn tất đàm phán và ký kết với nhiều quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều thành viên ASEAN về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đánh lẻ là cách giúp EU chen chân và có chân, xí phần và tạo đối trọng ở khu vực Đông Nam Á.