KTĐT - Nếu quy định mức thuế suất đối với nhà, đất quá thấp, mục tiêu hạn chế đầu cơ nhà, đất sẽ không thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay.
Đây là quan điểm này được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra, khi thảo luận ở tổ vào chiều qua về dự án Luật Thuế nhà, đất. Không ít ĐB tỏ ra băn khoăn khi dự thảo luật chỉ có vỏn vẹn 6 trang, 13 điều, trong đó có rất nhiều nội dung chưa cụ thể, rõ ràng.
Thuế suất quá thấp
Theo dự thảo luật, thuế suất áp dụng đối với nhà ở trên 500 triệu đồng là 0,03% (nhà ở từ 500 triệu đồng trở xuống không phải nộp thuế, nhà trên 500 triệu đồng thì tính thuế suất đối với phần trên 500 triệu đồng); thuế suất đối với đất ở được tính lần lượt là 0,03% đối với diện tích trong hạn mức, 0,06% đối với diện tích vượt hạn mức nhưng không quá ba lần và 0,09% đối với diện tích vượt hạn mức trên ba lần.
Theo ĐB Hồng Anh (Hà Nội), đây là mức quá thấp và sẽ không thể ngăn chặn được đầu cơ. “Với mức thuế này, nhà đầu cơ chẳng ngại gì mà không nộp. Theo tôi, phải nâng lên tối thiểu là 1%, còn diện tích vượt hạn mức ba lần phải áp mức 2%”, ĐB Hồng Anh nói.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM), đặt vấn đề: “Muốn đánh vào đối tượng sở hữu nhiều nhà, đất để chống đầu cơ, nhưng cơ quan nào thống kê được mỗi người có bao nhiêu đất, nhà? Đánh thuế lũy tiến đối với phần đất vượt hạn mức phải cao hơn nữa”.
ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) cũng đồng tình khi cho rằng, chỉ tính hạn mức đất mà không tính vị trí đất, giá trị đất thì không giải quyết được vấn đề. Trong điều kiện hiện nay, mỗi gia đình có một nhà (lớn hay nhỏ) thì không đánh thuế. Từ nhà thứ hai thì đánh thuế lũy tiến cao nhằm kéo giá nhà, đất xuống. Có như vậy, người nghèo, người thu nhập thấp mới có cơ hội sở hữu nhà. Ngoài ra, theo ĐB Lịch, việc áp dụng mức thuế suất chung cho tất cả các khu vực là không phù hợp, vì trên thực tế, một ngôi nhà ở nông thôn ít khi tới 500 triệu nhưng ở thành thị, số tiền trên chưa chắc đã mua được nhà.
Chưa nên đánh thuế nhà ở?
Theo ĐB Dương Hồng Sơn (Hà Nội), trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế bởi trên thực tế, nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân vì đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể gây tâm lý không đồng thuận. Ngoài ra, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng.
Tán đồng quan điểm trên, ĐB Thào Xuân Sùng (Sơn La), nói: “Nếu áp dụng thì có phải người dân phải chịu cảnh “thuế chồng lên thuế” hay không, bởi khi mua vật liệu đã một lần chịu thuế rồi”. ĐB Sùng cũng cho rằng, chưa nên đánh thuế với nhà ở còn vì lý do khác như: dựa trên cơ sở nào lấy mức 500 triệu để tính thuế mà không phải 400 triệu hay một tỷ? “Dân đang thiếu nhà ở. Giờ thu thuế nhà, nghe không ổn”, ĐB Sùng băn khoăn.
Giám sát tối cao hai chuyên đề trong năm 2010 |