Theo Dự thảo của Bộ Tài chính, nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa sẽ vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đối với mặt hàng trà, cà phê uống liền “không có đường” hoặc “chất tạo ngọt” thì không thuộc diện chịu thuế này. Lý do được Ban soạn thảo đưa ra cho đề xuất này là để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, cơ cấu lại thuế để tăng ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nước trên thế giới và trong khu vực cũng đã tiến hành thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt.
|
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nước ngọt tại Coop Mart Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Anh |
Tuy nhiên, phía các tổ chức, DN bị ảnh hưởng bởi đề xuất này lại cho rằng, các lý do Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ thuyết phục. Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, các lý do này chưa có đủ bằng chứng, chưa có đánh giá tác động và chưa phản ánh đúng thực tế về thực trạng béo phì ở Việt Nam. Đối với lý do bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cần có bằng chứng khoa học về nước ngọt là nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường và béo phì và nếu đánh thuế nước ngọt thì có làm giảm tỷ lệ các bệnh này ở Việt Nam hay không?
Theo Hiệp hội Chè và Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, việc áp thuế TTĐB lên các sản phẩm được đóng gói trên các dây chuyền sản xuất công nghiệp, một xu thế của thị trường hiện tại là đi ngược lại với các tiêu chí phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh, đánh trực tiếp vào nhà sản xuất, chế biến và người tiêu dùng trong nước.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhìn nhận: Mục tiêu của dự thảo khi đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% là hợp lý, vì sức khỏe cộng đồng, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc liệu việc đánh thuế ở mức 10% đối với nước ngọt sẽ làm giảm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế.
Đánh thuế thế nào cho hợp lý?Từ những phân tích trên, các Hiệp hội, cơ quan liên quan kiến nghị, Bộ Tài chính cân nhắc những ảnh hưởng của Dự thảo Luật Thuế đối với đa số người dân (vùng nông thôn) hơn là một bộ phận thiểu số (khu vực thành thị, tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội). Theo VCCI, mức thuế 10% có thể không ảnh hưởng nhiều đến các gia đình ở thành thị, nhưng sẽ là tác động đáng kể đối với khả năng chi tiêu của nhiều gia đình tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Văn bản góp ý của Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị, khi áp thuế TTĐB cần xem xét loại trừ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe ra khỏi danh sách áp thuế: Thức uống dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung dạng lỏng, thực phẩm chức năng dạng lỏng vì các sản phẩm này có bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc bổ sung dinh dưỡng có thể thiếu hụt trong các khẩu phần ăn hàng ngày, nhất là đối với trẻ em. Bộ Tài chính cần chỉ áp thuế TTĐB lên các sản phẩm nước ngọt có thêm đường và có hàm lượng đường cao so với khuyến nghị dinh dưỡng hàng ngày. “Bộ cũng cần làm rõ các khái niệm và có quy định biểu thuế TTĐB cho các sản phẩm có hàm lượng đường thêm vào khác nhau” - văn bản do Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung nhấn mạnh.
Về phương pháp đánh thuế, ông Nguyễn Hồng Huy - Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho rằng, nếu chỉ quy định chung một mức 10% mà không dựa trên hàm lượng đường cụ thể thì là một lựa chọn dễ cho cơ quan quản lý, nhưng lại không phải là lựa chọn tối ưu để thực hiện các mục tiêu chính sách. Đại diện Eurocham gợi ý Bộ Tài chính nên phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan để đưa ra các bằng chứng khoa học chứng minh sản phẩm nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe, không khuyến khích sử dụng và nên áp thuế TTĐB. Theo đó, chỉ những sản phẩm nào có đủ bằng chứng khoa học chứng minh thì mới áp dụng thuế.