Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thuế toàn cầu đối với các DN trên thế giới: Cuộc cách mạng sau trăm năm

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến thời điểm hiện tại đã có 130 quốc gia trên thế giới ủng hộ việc đánh thuế toàn cầu đối với các DN trên thế giới. Ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nên chắc chắn sẽ được thông qua tại hội nghị cấp cao của Nhóm G20 tổ chức vào tháng 10 năm nay tại Italy.

 Ảnh minh họa
Cho dù vẫn còn phải chờ đợi các quốc gia trên thế giới luật hóa ý tưởng này trong khuôn khổ luật pháp quốc gia, nhưng ở mức độ hiện tại đã có thể đề cập đến một cuộc cách mạng thật sự về thuế trên thế giới và lần đầu tiên như vậy kể từ hơn trăm năm nay. Nó làm thay đổi cơ bản hệ thống thuế hiện tại trên thế giới. Lần đầu tiên các công ty bị đánh thuế ở cả nơi đăng ký thành lập công ty lẫn ở thị trường họ thu về lợi nhuận. Cũng lần đầu tiên có mức độ thuế tối thiểu toàn cầu chung được áp dụng là 15%.
Đương nhiên, ý tưởng này còn cần được hoàn thiện trong nhiều nội dung cụ thể như mức độ thuế tối thiểu 15% kia đã thật sự hợp lý chưa hay đánh thuế toàn cầu tối thiểu này đối với DN bắt đầu từ mức độ doanh thu bao nhiêu. Ý tưởng hiện tại còn bao gồm nhiều trường hợp ngoại lệ và cũng không đi cùng lộ trình thời gian cụ thể cho việc triển khai thực hiện.

Dù vậy, nó vẫn có được ý nghĩa, tác động và bản chất cách mạng của nó trên phương diện thuế và mối quan hệ về thuế giữa các đối tác và quốc gia trên thế giới. Ý tưởng này là bước chuyển vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống trốn thuế và lậu thuế trên bình diện thế giới. Nó giúp chính quyền các nơi thu thuế được nhiều không phải bằng cách gây thêm gánh nặng thuế cho giới DN mà từ ngăn ngừa giới DN trốn thuế và lậu thuế. Thông qua đó, cuộc cạnh tranh kinh tế giữa các DN trên thị trường trở nên công bằng, lành mạnh và minh bạch hơn.