Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảo chiều

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lựa chọn đích đến là 9 quốc gia Tây Âu, Trung Đông nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác truyền thống.

Điều đáng nói là Isarel - đối tác trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của Mỹ 6 thập kỷ qua lại không là điểm dừng chân của ông Kerry.

Đảo chiều - Ảnh 1

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry chuẩn bị có chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ được bắt đầu từ ngày 24/2 và kết thúc vào ngày 6/3 với các điểm dừng chân lần lượt là Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Ả Rập Saudi, UAE và Qatar. Tại London, cuộc gặp gỡ giữa ông Kerry với lãnh đạo Anh - đồng minh thân cận nhất của Mỹ được cho là sẽ liên quan đến vấn đề rút quân tại Afghanistan, nợ công châu Âu... Khi tới Berlin, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ bàn bạc với lãnh đạo Đức về quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Ngoài ra, tại Paris, ông Kerry sẽ gặp gỡ với các quan chức ngoại giao chủ nhà để thảo luận về sự can thiệp liên tục của Pháp ở Mali. Tại Rome (Italia), Ngoại trưởng Mỹ sẽ tham gia một Hội nghị quốc tế với đại diện của phe đối lập Syria để bàn thảo và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài 23 tháng qua.

Chặng dừng chân ở Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang tiếp nhận khoảng 180.000 người tị nạn Syria cũng phát đi thông điệp về sự ủng hộ của Washington đối với tham vọng trở thành quyền lực trung tâm tại khu vực của Ankara. Ngoài ra, mục đích của chuyến thăm này cũng được cho là để ông Kerry tìm hiểu, tiếp cận các dư chấn còn tồn tại tại khu vực Trung Đông sau biến cố của Mùa xuân Ả Rập. Theo đó, dự kiến tại Cairo, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận với các quan chức chủ nhà về sự bất ổn vẫn đang diễn ra ở Libya, Tunisia, Ai Cập, Syria cũng như thách thức từ vấn đề hạt nhân của Iran.

Tuy không dừng lại ở Isarel với lý do nước này đang bận rộn tập trung cho việc thành lập Chính phủ mới nhưng chuyến công du nước ngoài mở màn cho nhiệm kỳ Ngoại trưởng của ông Kerry đã khẳng định Trung Đông vẫn nằm là một trọng tâm ngoại giao của chính quyền Mỹ trong 4 năm tới. Không chọn Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc như người tiền nhiệm Hillary Clinton trong chuyến công cán đầu tiên với thông điệp "trở lại châu Á - Thái Bình Dương", đích đến của tân Ngoại trưởng Mỹ cho thấy, thay vì theo đuổi các mục tiêu lâu dài, Washington đang tập trung can thiệp các vấn đề ngắn hạn. Sự đảo chiều trong đường lối ngoại giao này được cho là nhằm củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông, khu vực vốn đang bị Nga và Trung Quốc lấn lướt.