Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạo diễn Hà Sơn: Tôi cũng học hỏi nhiều từ chính thế hệ trẻ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đạo diễn Hà Sơn, người gây “sốc” cho khán giả và giới chuyên môn với phim truyện nhựa “Trung úy” từ khi dụ án này đang còn … nằm trên giấy.

KTĐT - Đạo diễn Hà Sơn, người gây “sốc” cho khán giả và giới chuyên môn với phim truyện nhựa “Trung úy” từ khi dụ án này đang còn … nằm trên giấy.

Có dịp qua trường đại học Sân khấu và điện ảnh lại thấy ông đang hăng say giảng dạy cho lớp đạo diễn K27. Hà Sơn là vậy, dù trong cuộc họp, ngoài trường quay hay trên giảng đường…ông luôn nhiệt tình, sôi nổi.- Thưa ông, ngoài việc làm phim ông còn tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu và điện ảnh?


Đạo diễn Hà Sơn

: Đúng vậy. Tôi được mời chấm thi vào trường và bảo vệ tốt nghiệp từ vài năm trước, nhưng chính thức giảng dạy từ năm 2004. Tôi đã chủ nhiệm một khoá ra trường, hiện nay tôi đang chủ nhiệm khoá thứ hai.


- Lí do nào để ông vào trường giảng dạy?


Đạo diễn Hà Sơn

: Tôi muốn được tiếp xúc với thể hệ trẻ, muốn biết các em nghĩ gì, muốn khơi dậy lòng nhiệt huyết và niềm tin vào điện ảnh Việt Nam trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Ngoài làm phim, niềm đam mê của tôi là khích lệ ước mơ của thế hệ điện ảnh trẻ. Các em đang trước ngưỡng cửa vào nghề, nhìn các em tôi nhớ lại mình của ngày xưa nên tôi biết, ước mơ của các em khi được khích lệ và đánh giá đúng sẽ trở thành hiện thực.


-Trong quá trình giảng dạy tại trường, ông có nghĩ mình đã làm được điều gì mới để “khích lệ” các em học tập?


Đạo diễn Hà Sơn

: Cho đến nay, tại trường Đại học Sân khấu và điện ảnh chưa có giáo trình giảng dạy chính thức cho bộ môn nghiệp vụ đạo diễn. Giảng viên thường dựa vào tài liệu của nước ngoài và kinh nghiệm của bản thân để truyền đạt tới sinh viên. Tôi học ở Nga về, ngoài những kiến thức cơ bản có được để giảng dạy cho các em, tôi luôn để các em tự bộc lộ bản thân một cách tự nhiên nhất. Có như vậy tôi mới có những nhận định về khả năng của từng em từ đó hướng các em phát huy sở trường.


- Ông đã truyền đạt kinh nghiệm thực tế nào cho các em, thưa ông ?


Đạo diễn Hà Sơn

: Ngoài những kiến thức cơ bản để làm một bộ phim, từ khi lên ý tưởng, tiền kỳ, khi ra trường quay, đến khi làm phần hậu kỳ... các em đã nắm được. Tôi đánh giá, các em không yếu về tay nghề mà về ý tưởng, bởi điện ảnh là luôn luôn mới, luôn cần những ý tưởng và sự sáng tạo. Bên cạnh đó tôi còn dạy các em về PR điện ảnh. Ví dụ như bộ phim “Trung úy”, tôi khẳng định với các em : Phim truyện mới nhất của tôi sau bốn năm chuẩn bị đã trở thành một “thương hiệu”. Điện ảnh cũng là hàng hóa mà hàng hóa thì phải quảng cáo mới bán được. “Trung úy” sẽ là bộ phim được tiếp thị ấn tượng, cẩn trọng và có văn hóa nhất từ trước đến nay. Qua đây, sinh viên của tôi sẽ học được những điều mà chưa có giáo trình nào nói đến.


- Bộ phim “Trung uý” được khởi quay từ tháng 9/2007. Lý do nào để bộphim lâu ra mắt khán giả?


Đạo diễn Hà Sơn

: Trung uý giống như một bản tình ca, là câu chuyện tình yêu trong chiến tranh cùng những khao khát cháy bỏng của con người nên tôi định sẽ ra vào đúng dịp “Lễ tình nhân”. Bên cạnh việc chờ kinh phí lam âm thanh lập thể, tôi cũng muốn chờ đến thời điểm chín muồi mới ra mắt khán giả. Tôi cũng nói với học trò của tôi, làm gì cũng phải có mục đích và chiến lược. Quan trọng nhất là “chọn đúng điểm rơi” khi ra mắt bộ phim để gây ấn tượng cho khám giả.


- Theo ông, công việc giảng dạy tại trường có bổ trợ gì cho việc chính là làm phim của ông?


Đạo diễn Hà Sơn

: Nhiều chứ, tôi học được nhiều điều từ chính các sinh viên của mình, đó là khả năng sáng tạo và thử nghiệm những cái mới. Chúng tôi luôn có những cuộc trao đổi thẳng thắn và thân mật với nhau. Các em bày tỏ quan điểm, không ai đúng, không ai sai, mà chỉ là suy nghĩ vàcách biện luận để bảo vệ suy nghĩ của mình. Tôi nghĩ, đây là đức tính cần thiết để trở thành một người đạo diễn.


-Trở lại với điện ảnh, sau phim”Trung uý”, đạo diễn Hà Sơn còn định gây “sốc” dư luận bằng những dự định gì?


Đạo diễn Hà Sơn

: Sau “Trung úy” sẽ là “Phở” và “Gọi cá”. “Phở” là bộ phim đặt trong bối cảnh đất nước từ sau 1945, dạng phim chính luận dựa trên hai yếu tố ẩm thực và tình dục.“Gọi cá” là câu chuyện hậu chiến, những người đàn ông và đàn bà tìm đến nhau nối lại cuộc tình. Cả hai bộ phim sắp ra lò này đều do tôi viết kịch bản.


- Cám ơn ông về cuộc nói chuyện cởi mở này.