Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Không sợ mất lòng người nông dân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có lẽ vì đã "kinh qua" đủ nghề, nào thợ rèn, nào thợ điện, rồi các nghề lao động chân tay khác... trước khi đến với phim trường,

KTĐT - Có lẽ vì đã "kinh qua" đủ nghề, nào thợ rèn, nào thợ điện, rồi các nghề lao động chân tay khác... trước khi đến với phim trường, nên đạo diễn Nguyễn Hữu Phần lúc nào cũng "có duyên" với các đề tài về người nông dân cùng thôn, làng, đồng ruộng.

Trường quay đã mê hoặc ông ngay trong lần đầu tiên tiếp cận, và đề tài "nhà quê" trên phim ảnh cũng vậy. Ông làm phim, mạnh dạn nhưng đầy thấu hiểu…

 

- Ông có nhớ những cảm xúc đầu tiên khi bước chân vào phim trường?

 Ảnh minh họa
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.



Lần đầu được nhìn thấy khung cảnh một ngôi nhà của người Mông trong bộ phim "Bản vàng én" dựng trong trường quay dưới ánh sáng của dàn đèn và các nhân vật đẹp như trong mơ, tôi đã bị mê hoặc và lưu giữ mãi những ấn tượng đó trong tâm trí. Sau hôm đó, tôi tìm mọi cách để xin vào đoàn phim làm... chân sai vặt. Sau một thời gian dài, tôi may mắn được làm thư ký cho đạo diễn Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyên, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ... Năm 1979, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh thành lập, tôi nộp đơn thi và trở thành sinh viên lớp đạo diễn khóa I cùng học với Khải Hưng, Vũ Châu... Bắt đầu từ đó, tôi chính thức "dấn thân" vào con đường nghệ thuật.


- Ông tự nhận mình là người làm điện ảnh có xu hướng thiên về chất thơ. Những bộ phim đầu tiên mà ông làm từ ngày mới tốt nghiệp đều có chất thơ như "Lời từ biệt tình yêu", "Bản tình catrong đêm", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Lẽ nào anh lại quên", "Mảnh đời của Huệ"… Nhưng có lẽ đến khi làm những bộ phim về nông thôn, ông mới được đông đảo khản giả biết đến. Ông nghĩ sao về vấn đề này?


Tôi là người lãng mạn nên chất thơ tôi đưa vào điện ảnh phản ánh suy nghĩ và phong cách của tôi. Đến nay tôi gắn bó với điện ảnh đã hơn 30 năm. Sau "Ma làng" và "Gió làng Kình" được công chiếu trên màn ảnh nhỏ, mọi người gọi tôi là "ông Phần nông thôn", tôi nhận ra rằng: Phim gần gũi với đời mới "sống" được. Nói như vậy cũng không có nghĩa là tôi phủ nhận hết những gì tôi đã làm trong những bộ phim lãng mạn trước đây hay điện ảnh chỉ có thể là hiện thực cuộc sống. Điều quan trọng là chất thơ và chất đời phải được sử dụng đúng trong từng trường hợp mới mang lại hiệu quả.


- Bộ phim nào đã dẫn ông "chạm ngõ" với nông thôn vậy?


Khi đó vào năm 1990, lần đầu tiên trong đời tôi được giao làm một bộ phim truyện nhựa với đề tài nông thôn có tên "Chiếc bình tiền kiếp". Bộ phim được thực hiện với điều kiện vô cùng khó khăn, ê-kíp tham gia đều là những người lần đầu tiên làm nghề. Với bộ phim này, tôi đã trở về quê tôi ở Văn Giang, Hưng Yên để quay và dùng ngay ngôi nhà của anh cả mình làm bối cảnh chính của phim. Sau khi hoàn thành, "Chiếc bình tiền kiếp" khá thành công và từ đó tôi có thêm nhiều kiến thức về nông thôn cũngnhư kiến thức để làm phim về nông thôn.

 Ảnh minh họa
Một cảnh trong phim “Ma làng” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.


- Trong thời gian sắp tới, ông sẽ làm tiếp một bộ phim về đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới mang tên "Làng Bâm Dương 10 năm sau". Bộ phim có gì khác với "Ma làng" - một trong những bộ phim đã khẳng định tên tuổi của ông trong lòng khán giả?


Ngay từ ngày đầu bước chân vào làng điện ảnh, tôi đã không thích "ăn theo". Khi có ý định làm phim "Làng Bâm Dương 10 năm sau", tôi đã định hình cho mình câu chuyện hoàn toàn mới về nông thôn thời kỳ đổi mới. Mặc dù trong phim tôi có sử dụng diễn viên và bối cảnh của phim "Ma làng" nhưng với mục đích đưa ra sự cảnh báo vấn đề phẩm chất con người thay đổi như thế nào khi tiền bạc, sự giàu có đến với họ. Con người ta từ tốt sẽ thành xấu và ngược lại. Đây chính là sự bất ngờ trong bộ phim.


- Những câu chuyện về người nông dân thời đổi mới cũng đã được thể hiện trong "Gió làng Kình". Ông có sợ rằng, nội dung của bộ phim sẽ lặp lại những vấn cũ mà ai cũng biết?


Rất nhiều vấn đề cũ mà nhiều thế hệ tác giả vẫn tiếp tục khai thác, như đề tài về tình yêu chẳng hạn.Điều quan trọng là ở cách khai thác, là góc nhìn của người sáng tác sao cho khác biệt mà thôi. Việc tạo ra những tính cách nhân vật, khai thác đề tài ở những khía cạnh khác nhau, tôi tin sẽ tạo ra nhiều bức tranh xã hội đa dạng, đa sắc mầu và không trùng lặp. Với bộ phim này, tôi không có ý muốn khen ngợi hay phê phán người nông dân, tôi chỉ đưa ra cho khán giả thực trạng hiện nay, từ đó khán giả có thể rút ra những nhận định cho riêng mình.


- Nhưng như vậy ông có sợ làm "mất lòng" những người nông dân?


Tôi không nghĩ vậy. Bản thân tôi là một người nông dân nên không có lý do gì để tôi "nói xấu" họ. Sự phát triển của thời đại, quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhất là những người nông dân. Bên cạnh việc phê phán, tôi khai thác được những nét đẹp trong phẩm cách và mối quan hệ của người lao động. Qua phim, tôi muốn để những người nông tự thể hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp của mình.


- Xin cảm ơn ông!