Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạo diễn trẻ mong được… “già”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Liên hoan Sân khấu cải lương 2012 đã cận kề (từ 20/10 đến 5/11), khán giả đang hy vọng sự thống lĩnh trở lại trên sàn diễn sẽ là các đạo diễn trẻ - điều mới xảy ra duy nhất một lần tại Liên hoan Sân khấu kịch 2012.

Trẻ mãi không già

NSƯT Tuấn Hải (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Chí Trung, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh (Nhà hát Tuổi trẻ)... đã thuộc thế hệ nghệ sĩ U40, U50, có vài chục năm gắn bó với sân khấu.

Tài năng của họ đã được khẳng định, nhưng như NSƯT Chí Trung nói: "Tiếc là chẳng mấy ai tin"... Chính vì vậy, họ có thể là diễn viên nổi tiếng ở các vở diễn, nhưng chẳng mấy khi có cơ hội được thể hiện chức năng đạo diễn, dù họ đã được công nhận.

Khá nhiều đạo diễn cho rằng, mình hầu như không có cơ hội làm nghề theo đúng nghĩa. Một nhà hát mỗi năm chỉ được dựng  2 - 3 vở diễn, nhưng lại có tới 10 đạo diễn. Trong khi đó, theo lời đạo diễn Tuấn Hải, từ trước đến nay, hầu hết các vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam hoàn toàn do giám đốc chịu trách nhiệm đạo diễn.
 
Đạo diễn trẻ mong được… “già” - Ảnh 1

NSƯT Tuấn Hải và các MC chuẩn bị chương trình.
 

Cũng trùng ý kiến với đạo diễn Tuấn Hải, đạo diễn, NSND Đình Quang cũng thừa nhận thực trạng này: "Không thể phủ nhận nhiều kỳ liên hoan trước, nhiều vở tham gia theo kiểu "vở giám đốc", nghĩa là tác phẩm do giám đốc đạo diễn, hoặc viết kịch bản, hoặc vừa viết kịch bản vừa là đạo diễn. Đa số giám đốc các nhà hát đều là đạo diễn, nên nhà hát có 1 vở, giám đốc làm 1, có 2 làm 2 mà có 5, làm cả 5.

Thậm chí, có giám đốc nhà hát không làm đạo diễn nhưng khi lên chức vụ đó, họ cũng tự viết kịch bản, tự đạo diễn để chứng tỏ khả năng. Ngay cả các tác giả kịch bản cũng không có nhiều cơ hội để tác phẩm của mình được dàn dựng, đến với công chúng".Đối với các nhà hát, mỗi năm vài ba vở đã là cả gia tài nên không ai dám trao vở diễn vào tay những đạo diễn chưa được cho là "già".

Cứ thế, nhiều đạo diễn thuộc lớp trẻ không tìm được cơ hội làm nghề, mà phải tự thân vận động nhờ vào uy tín cá nhân để được lao động nghệ thuật.
 
Tiền lệ cho đạo diễn trẻ
 
Sân khấu không thể có những sáng tạo mới, khi mấy chục năm trời, vở diễn đều do 2 - 3 tên tuổi quen thuộc dàn dựng. Ngoài việc giữ vai trò đạo diễn các vở diễn của nhà hát nơi mình công tác, các đạo diễn già còn chạy sô dựng vở cho các nhà hát khác.

Chính vì vậy, tại Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 diễn ra ở Huế hồi tháng 7 vừa qua, có thể xem là một sự kiện chưa có tiền lệ: Đại đa số các đạo diễn tham gia đều là những gương mặt "trẻ". "Trẻ" theo nghĩa là mới tham gia liên hoan, còn trên thực tế họ đều đến tuổi chuẩn bị về hưu và cũng không phải là những cái tên xa lạ với công chúng yêu sân khấu.

Đạo diễn, NSƯT Tuấn Hải nằm trong số những gương mặt "trẻ" theo nghĩa đó, với hai vở tham gia liên hoan và đều giành giải B. Lý giải cho sự muộn màng này, anh cho biết: "Bây giờ mới có cơ hội được dựng vở tại nhà hát của mình".Nếu như ở loại hình điện ảnh, diễn viên phải cạy cục để vào tầm ngắm của đạo diễn, thì ở lĩnh vực sân khấu, đạo diễn phải cạy cục để có nghệ sĩ cho vai diễn.

Đơn giản cũng chỉ vì vai diễn trên sân khấu không đem lại sự nổi tiếng và tiền bạc cho nghệ sĩ. Nghĩ về nghề, người đạo diễn sân khấu luôn luôn trong trạng thái tủi phận.

Chính vì vậy, ngành sân khấu Việt Nam cần có một cơ chế thông thoáng, tôn trọng tài năng của những người trẻ. Từ Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012, người ta rất hy vọng sẽ có một tiền lệ cho đạo diễn trẻ tại Liên hoan Sân khấu cải lương 2012. Bởi biết đâu, những tài năng trẻ lại là những người có khả năng kéo khán giả đến với một loại hình đang dần bị lãng quên.